Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Tinh tấn Ba La Mật



Học Phật không ai không biết ý nghĩa quan trọng của việc tinh tấn; nhưng thực hành tinh tấn đúng theo chân tinh thần Bồ Tát Đạo, lại là vấn đề thử thách lớn khó thể làm được. Tuy nhiên trước sau gì người Phật tử cũng phải trải qua con đường Bồ Tát đạo, nếu tự nhận mình là đệ tử của Như Lai. Và con đường đầu tiên của hạnh Bồ Tát, đó là Tinh tấn Ba La Mật.
Sau đây thử tìm hiểu, hạnh tinh tấn theo dấu chân của Bồ Tát.
Bồ Tát Thế Thân dạy, tinh tấn có hai môn:
-Vì cầu vô thượng Bồ Đề
-Vì muốn cứu độ chúng sanh rộng khắp
Do hai lý do đó mà khởi tâm tu pháp Tinh tấn Ba la mật vậy. (*)
Chúng ta thấy hai việc mà Bồ Tát Thế Thân dạy, đánh động nơi tâm của người học Phật, khiến tâm hành giả khởi phát đại bi, cầu đạo giải thoát. Cầu đạo giải thoát là cầu vô thượng Bồ Đề; cầu vô thượng Bồ Đề cũng có nghĩa khởi đại bi tâm rộng độ khắp chúng sanh.
Đương nhiên muốn cầu vô thượng Bồ Đề, tất phải hiểu biết ý nghĩa nhân duyên, nhân quả của Vô thượng Bồ Đề; và chắc chắn rằng phải hiểu cả thế giới đau khổ đang vây bủa chúng sanh. Nói cách khác phải hiểu quả vị Bồ Đề vô thượng, là đối lại sự sinh diệt trong ba cõi, Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Nhưng Bồ Tát Thế Thân lại dạy thêm, cần phải có mười niệm mới giúp chư Bồ Tát thành tựu trọn vẹn việc hành tinh tấn Ba La Mật.
Mười niệm là: 
1-Tưởng niệm vô lượng công đức của chư Phật
2-Tưởng niệm công đức Chánh pháp bất tư nghì giải thoát
3-Tưởng niệm công đức Tăng già thanh tịnh vô nhiễm
4-Tưởng niệm tu hành tâm Đại từ, để an vui chúng sanh
5-Tưởng niệm thực hành tâm Đại bi cứu khổ chúng sanh
6-Tưởng niệm chánh định, khuyến cần chúng sanh an vui tu tập thiện pháp
7-Ghi nhớ các tà định  của chúng sanh để cứu giúp họ trở về chánh định.
8-Tưởng niệm đến cảnh nhiệt não, cơ khát của loài quỷ mà cứu tế
9-Tưởng niệm khổ cảnh nơi địa ngục chúng sanh chịu sự thiêu đốt bức não mà cứu tế
10-Tưởng niệm đến cảnh khổ đau triền miên của loài súc sanh mà cứu giúp.
Sơ lược nội dung mười niệm như sau:  
1-Tưởng niệm vô lượng công đức của chư Phật.
Công đức của chư Phật không thể nghĩ bàn, cho nên người học Phật không thể không tưởng niệm. Nếu hỏi công đức đó thế nào? Xin thưa là công đức trước khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác -  các Ngài đã phải hành vô số thiện nghiệp Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, mới thành tựu Phật quả. Và từ quả vị Phật, chư Phật vẫn tiếp tục hoằng hóa chúng sanh khắp ba cõi. Chỉ có thể nêu bấy nhiêu công đức như vậy; thật ra chính cả hàng Bồ Tát lớn cũng không thể nói hết được; do đó hàng Bồ Tát lớn mới luôn luôn tưởng niệm công đức chư Phật. Lại đơn thuần tóm lược mà nói, sự xuất hiện của chư Phật đã đưa vô số chúng sanh đang sống trong vô minh ngu si, tạo được nhân duyên thoát khỏi sanh tử thành tựu giải thoát; rồi từ quả giải thoát quay lại cứu độ chúng sanh khác, cứ tiếp tục tạo duyên nối tiếp như vậy mãi, đó là công đức vô thượng không thể nghĩ bàn.
2-Tưởng niệm công đức Chánh pháp bất tư nghì giải thoát.
Phật xuất hiện đã độ vô lượng chúng sanh, rồi sau khi nhập diệt vẫn còn độ vô số chúng sanh; đó là nhờ giáo pháp vi diệu mà Ngài tìm ra. Giáo pháp đó là Chánh pháp bất khả tư nghị vượt không gian thời gian; không gian là ba cõi, thời gian là quá khứ, hiện tại đến vị lai. Ngay thời đại này được xem là duy vật, nguyên tử, nhưng chánh pháp giải thoát vẫn còn lan rộng khắp nơi, đem lại an lạc hạnh phúc cho muôn người. Và tương lai bao giờ chúng sanh còn nhắc đến chánh pháp, thì việc thành tựu duyên giải thoát sẽ trụ mãi khắp nơi trong ba cõi.
3-Tưởng niệm công đức Tăng già thanh tịnh vô nhiễm.
Phật nhập diệt, chánh pháp vẫn còn lưu trụ thế gian, nhưng nếu hàng đệ tử không tu, không thanh tịnh giáo đoàn, tức giáo pháp Như Lai chỉ còn là lý thuyết để thờ, chẳng khác tôn giáo thờ thần mê tín. Điểm này mà Phật dạy, sau khi Ngài vắng bóng, đệ tử hãy lấy giới luật làm Thầy, lấy giới luật thay thế hình bóng Như Lai. Cho nên đệ tử Phật không giữ lời Phật dạy, dù có thờ lạy Ngài cũng chỉ là gieo duyên, chứ không có kết quả lợi ích gì cho việc chứng đạo. Thành ra một giáo đoàn, một Tăng già thanh tịnh vô nhiễm có vô lượng công đức, vì gìn giữ được đạo giải thoát không biến thành thần quyền mê tín. Bồ Tát biết được điều này nên tưởng niệm công đức đó.
4-Tưởng niệm tu hành tâm Đại từ, để an vui chúng sanh.
Bồ Tát khi liễu đạo, liền phát Bồ đề tâm, tức tâm Đại từ nhắm vào đối tượng chúng sanh; và phải biết tâm Đại từ không thể học được ở thế gian, nếu không có giáo pháp giải thoát xuất hiện. Thế gian ngộ nhận thương người giúp người thoát nạn, thoát chết là từ ái là đại nhân; đây chỉ là phước đức hữu lậu, chỉ tạm cứu khổ một đời, rồi đâu vào đấy. Bởi vì tâm tham sân si là nguồn đau khổ, là gốc luân hồi, nên chưa hiểu đạo giải thoát, có sống bao nhiêu đời cũng không thoát khổ. Phải dùng tâm Đại từ là tâm làm cho chúng sanh tỉnh ngộ giáo lý giải thoát, mới đem lại hạnh phúc chân thật cho chúng sanh; như thế mới thấy tâm Đại từ là con đường duy nhất giúp cho chúng sanh an vui hạnh phúc; và Bồ Tát tưởng niệm tâm Đại từ, mới dễ thành tựu giải thoát.
5-Tưởng niệm thực hành tâm Đại bi cứu khổ chúng sanh.
Cũng giống như tâm Đại từ, và cả hai tâm Đại từ Đại bi đều đầy đủ trí huệ đưa chúng sanh qua bờ giải thoát; hoàn toàn khác với tâm thương yêu tình ái thế gian. Bồ Tát luôn tưởng niệm cả hai tâm như vậy mới khởi tinh tấn Ba La Mật, vượt khỏi hết thảy chướng ngại thế gian. Chúng sanh thường vì tâm phàm phu, tâm tình ái, nên sống vị ngã riêng mình, không thể khởi tâm đại bi, đại từ, do đó không thể tinh tấn học đạo; nếu có tinh tấn cũng không thể đạt được Ba La Mật tinh tấn -  phải thấy rằng việc hành tâm Đại từ Đại bi, chỉ là việc phải làm để thành đạo nghiệp chứ không phải vị ngã tự thân. Cho nên Bồ Tát luôn tưởng niệm thực hành tâm Từ Bi mới khởi được tinh tấn bất thoái chuyển.
6-Tưởng niệm chánh định, khuyến cần chúng sanh an vui tu tập thiện pháp.
Hành Bồ Tát đạo duy nhất mong đạt đến giải thoát, mong cứu khổ chúng sanh; ngoài niệm này ra chẳng một niệm nào khác, đó gọi là chánh định, cũng gọi là thực hành chánh pháp. Thân tâm Bồ Tát thường qua lại vô số cảnh giới chẳng lìa khỏi bồ đề tâm, lấy giới làm Thầy, lấy huệ làm sinh mạng; và dùng vô số phương tiện để lợi ích chúng sanh phát sanh thiện pháp. Như thế Bồ Tát luôn giữ chánh định chánh pháp để phát khởi tinh tấn không thối chuyển.
7-Ghi nhớ các tà định  của chúng sanh để cứu giúp họ trở về chánh định.
Xem thấy thế gian chìm đắm vô minh, sinh ra vô số tà định, tức tâm không sanh thiện pháp; hết đời sống này đến đời sống khác gây tạo ác nghiệp, nên tà định dẫy đầy không gian, và thời gian vô định. Bồ Tát phát đại bi tâm thường luôn nhớ nghĩ cứu độ chúng sanh, nên phát khởi tinh tấn Ba La Mật, nguyện thành chánh giác cứu vớt chúng sanh.
8-Tưởng niệm đến cảnh nhiệt não, cơ khát của loài quỷ mà cứu tế.
Cảnh khổ chúng sanh ở cõi người, đủ khiến Bồ Tát phát khởi bi thương, nay còn thấy cảnh khổ chúng sanh đọa vào loài quỷ, nên Bồ đề tâm còn phát mạnh hơn nữa; do đó Bồ Tát luôn tưởng niệm đến cảnh khổ này, mà phát sinh tinh tấn cứu độ không ngừng nghỉ. 
9-Tưởng niệm khổ cảnh nơi điạ ngục chúng sanh chịu sự thiêu đốt bức não mà cứu tế.
So với cảnh ngạ quỷ, cảnh địa ngục còn đau khổ hơn, Bồ Tát không thể không luôn tưởng niệm ghi nhớ, do đó con đường hành đạo càng thêm tinh tấn cứu độ chúng sanh.
Cuối cùng là,
10-Tưởng niệm đến cảnh khổ đau triền miên của loài súc sanh mà cứu giúp.
Súc sanh mang đủ hình tướng, khắp nơi vô số, nên cảnh khổ cũng không thể nghĩ bàn, Bồ Tát phải thường tưởng niệm, và càng tưởng niệm càng tinh tấn tu đạo giải thoát cứu độ chúng sanh.
Đó là mười niệm mà vị Bồ Tát muốn phát được tinh tấn Ba La Mật, không thể không thực hành.
Xét lại lời dạy của Bồ Tát Thế Thân, trên đường hành Bồ Tát Đạo nếu không phải vì đạo nghiệp giải thoát, hành giả không thể nào thành tựu, và đối tượng tạo nhân thành tựu đạo nghiệp không ngoài chúng sanh trong ba đường đau khổ. Nhưng làm sao ta có thể cứu độ chúng sanh trong khi đạo giải thoát tự mình chưa liễu đạo? Chỉ một điều phải thường tư duy sự khổ của chúng sanh; sự khổ vậy cũng đang có mặt chính ta trong đó. Ngày nào chúng ta còn ở cõi Ta Bà đau khổ, ngày đó còn nếm đủ mọi khổ đau của kiếp người chưa giác ngộ.
Ta càng khổ bao nhiêu, thì vô số chúng sanh khác còn đau khổ hơn ta gấp vạn lần. Và dù đau khổ nhưng ta còn biết đạo giải thoát, như thế chưa gọi là khổ, nếu không nói là đại phước; ngược lại vô số người khác vừa đau khổ thân tâm, vừa chưa hề biết đạo giải thoát, đó mới thật khổ.
Bồ Tát dạy rằng phải luôn tinh tấn, đó là con đường cơ bản phát sinh chánh pháp, tiến gần đến quả giải thoát; nếu không như vậy thiện pháp sẽ không sinh, mà vọng niệm càng thêm tăng trưởng.
Lịch sử xưa nay, chưa có Thánh Tăng Bồ Tát nào không hành tinh tấn mà thành được đạo quả. Dù các Ngài có hành đạo trong rừng sâu hay ngoài phố thị, việc tinh tấn chẳng bao giờ thiếu được.
Tóm lại tinh tấn Ba La Mật, là con đường phải đi qua của một hành giả cầu giải thoát; và thực hành được tinh tấn này, phải ghi nhớ qua mười điều tưởng niệm. Nhưng thiết nghĩ rằng, mười điều tưởng niệm này, phải đến từ việc tu học không ngừng qua các việc làm Phật sự, và đọc tụng kinh điển Như Lai; như vậy mới giữ được niềm tin chánh pháp, liễu nghĩa Đại thừa, tinh tấn mà không thấy mình tinh tấn mới thật đúng là tinh tấn Ba La Mật.
Cầu nguyện tất cả chúng ta, những người sơ cơ hạ căn học Phật trong đời sống này, phát khởi thiện tâm thực hành chánh tinh tấn đúng theo chánh pháp.

Chúng con xin thành tâm đảnh lễ Bồ Tát Thế Thân.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.

Thích Phổ Huân
8/5/2007
 (*)Phát Bồ đề tâm luận, Thế Thân Bồ tát soạn, HT Thích Nguyên Ngôn dịch.

----o0o---
Cập nhật: 10-2008

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Hình ảnh Phật nói Kinh A Di Đà


image
Phật nói Kinh A Di Đà kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm. Tôi nghe như vầy. Một thuở nọ, Phật ở nước Xá Vệ, nơi vườn của ông Cấp Cô Độc và cây của ông Kỳ Đà, cùng với 1250 vị đại Tỳ Kheo tụ hội, đều là bậc đại A La Hán mà mọi người biết đến

Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Dà, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lầu Đà, các đại đệ tử như thế. Lại có hàng đại Bồ Tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, cùng với các đại Bồ Tát như thế, và Thích Đề Hoàn Nhân, vô số chư Thiên, tất cả đại chúng dự hội.
Bấy giờ, Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Từ đây tới phương Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi đó, có đức Phật hiệu A Di Đà, hiện đang nói pháp.” “Xá Lợi Phất, vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc.
 
Lại nữa, Xá Lợi Phất, nơi cõi nước Cực Lạc đó có bảy lớp dậu rào, bảy lớp mành lưới, bảy lớp hàng cây, đều bằng bốn chất báu, bao vòng khắp nơi, vì thế nên cõi nước đó tên là Cực Lạc.
Lại nữa, Xá Lợi Phất, nơi cõi nước Cực Lạc đó có ao bảy chất báu, trong ao tràn đầy tám nước công đức, đáy ao thuần bằng cát vàng trải làm mặt đất. Những lối đi bốn bên bờ ao là vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Trên đó, có lầu các, cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, trân châu, mã não.
Trong ao, có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh ánh sáng xanh, hoa sắc vàng ánh sáng vàng, hoa sắc đỏ ánh sáng đỏ, hoa sắc trắng ánh sáng trắng, hương thơm vi diệu tinh khiết. Xá Lợi Phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế. 
  
Lại nữa, Xá Lợi Phất, nơi cõi nước Phật đó thường trổi nhạc trời, mặt đất bằng vàng, ngày đêm sáu thời có mưa hoa Mạn Đà La.
 
Chúng sanh trong cõi đó, thường mỗi sáng sớm, lấy vạt áo đựng những hoa kỳ diệu đó, cúng dường mười vạn ức Phật ở các phương khác. Đến giờ ăn, liền trở về nước của mình, ăn cơm, rồi kinh hành. Xá Lợi Phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
 
Lại còn nữa, Xá Lợi Phất, nơi cõi nước đó thường có nhiều giống chim kỳ diệu, đủ các màu sắc: chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng. Các loài chim đó ngày đêm sáu thời hót ca thanh âm hòa nhã. Trong thanh âm đó diễn nói các pháp: Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần, các pháp như thế. Chúng sanh trong cõi đó nghe thanh âm ấy, tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
 Xá Lợi Phất, chớ nghĩ rằng những giống chim nầy thật do tội báo mà sanh ra. Vì sao vậy? Vì cõi nước Phật đó không có ba đường ác. Xá Lợi Phất, trong cõi nước Phật đó thường không có cái tên ác đạo, huống gì có ác đạo thật. Các giống chim ấy là do Phật A Di Đà muốn tuyên lưu tiếng pháp mà biến ra như vậy.
  
Xá Lợi Phất, nơi cõi nước Phật đó có gió nhẹ thổi các hàng cây báu và các mành lưới báu, phát ra thanh âm huyền diệu, như trăm nghìn thứ nhạc cùng lúc hòa chung. Nghe thanh âm đó, mọi người đều tự nhiên khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Xá Lợi Phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế. 
Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Đức Phật đó vì sao hiệu là A Di Đà? Xá Lợi Phất, đức Phật đó có hào quang sáng chói vô lượng, chiếu soi các cõi nước mười phương không chỗ nào chướng ngại, vì thế nên hiệu là A Di Đà.
Lại nữa, Xá Lợi Phất, đức Phật đó và người dân cõi đó sống lâu vô cùng, nên có tên là A Di Đà. Xá Lợi Phất, đức Phật A Di Đà thành Phật cho đến nay đã được mười kiếp.

Lại nữa, Xá Lợi Phất, đức Phật đó có vô số hàng Thanh Văn đệ tử, đều là bậc A La Hán, nhiều không thể tính đếm mà biết được. Các vị Bồ Tát cũng đông như thế. Xá Lợi Phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
Lại nữa, Xá Lợi Phất, nơi cõi nước Cực Lạc đó, chúng sanh được sanh về, đều là bậc chẳng thối chuyển. Trong đó có rất nhiều vị một đời thành Phật, số đó rất đông, nhiều không thể tính đếm mà biết được, chỉ có thể nói là vô số.
 
Xá Lợi Phất, chúng sanh nào nghe được điều nầy, thì phải nên phát nguyện, nguyện sanh về cõi nước đó. Vì sao vậy? Vì được cùng các bậc Thượng thiện nhân như thế tụ hội một nơi

 Xá Lợi Phất, chẳng thể có chút ít căn lành, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi nước đó. Xá Lợi Phất, nếu có người con trai lành, người con gái lành nào nghe nói đến Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, tâm chuyên nhất chẳng loạn.

Người đó, lúc lâm chung, được Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người đó, khi chết, tâm không điên đảo, liền được sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà. Xá Lợi Phất, ta thấy lợi ích ấy nên nói lời nầy. Nếu có chúng sanh nào nghe được điều nầy, thì phải nên phát nguyện sanh về cõi nước đó.
 
 “Xá Lợi Phất, như ta hôm nay khen ngợi công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà, thì ở phương Đông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: “Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm”.
 
Xá Lợi Phất, thế giới phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: “Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm”.
 Xá Lợi Phất, thế giới phương Dưới có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: “Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm”. Xá Lợi Phất, thế giới phương Trên có Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn, nhiều vô số các đức Phật như thế, ở tại nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp ba nghìn cõi đại thiên thế giới mà nói lời chân thật: “Các chúng sanh phải tin kinh nầy, là kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn và được tất cả các đức Phật hộ niệm”.
Xá Lợi Phất, ý ông nghĩ sao? Vì sao gọi là “kinh tất cả các đức Phật hộ niệm”? Xá Lợi Phất, nếu có người con trai lành, người con gái lành nào nghe được kinh nầy mà thọ trì, và nghe được danh hiệu của các đức Phật, thì những người con trai lành, những người con gái lành đó đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, Xá Lợi Phất, các người đều phải tin nhận lời của ta và các đức Phật nói.
 Xá Lợi Phất, nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi nước Phật A Di Đà, thì các người đó đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở cõi nước đó, hoặc đã sanh về, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về. Cho nên, Xá Lợi Phất, những người con trai lành, những người con gái lành, nếu có lòng tin thì phải nên phát nguyện sanh về cõi nước đó.
Xá Lợi Phất, như ta hôm nay khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, thì các đức Phật đó cũng khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của ta mà nói lời nầy: “Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm những việc rất khó, ít có, ở cõi Ta Bà ngũ trược ác thế: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì các chúng sanh nói pháp mà tất cả thế gian khó tin”.
Xá Lợi Phất, phải biết rằng, ta ở cõi đời ngũ trược ác thế, làm những việc khó nầy, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vì tất cả thế gian mà nói pháp khó tin nầy, đó là rất khó.” Phật nói kinh nầy xong, ngài Xá Lợi Phất và các vị Tỳ Kheo, tất cả thế gian: Trời, Người, A Tu La, nghe lời Phật nói, vui mừng tin nhận, đảnh lễ rồi lui ra.
Theo: Liễu Quán Huế

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Ấn Quang Ðại Sư - Liên Tông Thập Tam Tổ



Ấn Quang Ðại Sư, húy Thánh Lượng, biệt hiệu Thường Tàm, người khoảng cuối Thanh sang kỷ nguyên Dân Quốc, con nhà họ Triệu ở Thiểm Tây. Thuở bé ngài học Nho, lớn lên lấy việc duy trì đạo Khổng làm trách nhiệm, nên theo thuyết của Hàn Dũ, Âu Dương Tu bài bác Phật pháp. Sau bị bịnh mấy năm, tự xét biết lỗi lầm, liền cải hối tâm niệm trước.
Niên hiệu Quang Chữ thứ bảy đời Thanh, vừa sang hai mươi mốt tuổi, căn lành thành thục, ngài xuất gia với Ðạo Thuần Hòa Thượng tại chùa Liên Hoa Ðộng ở núi Chung Nam. Ít lâu sau, lại được duyên thọ Ðại Giới nơi chùa Song Khê, huyện Hưng An với luật sư Ấn Hải Ðịnh.
Ngài từng bị đau mắt khi sanh ra vừa sáu tháng, sau tuy lành bịnh nhưng mục lực đã suy kém. Mắt vừa hơi đỏ thì chỉ nhìn thấy cảnh vật lờ mờ. Lúc thọ giới Cụ Túc, vì ngài cẩn thận và viết chữ khéo nên được cử làm chức Thơ Ký. Do viết chữ quá nhiều, đôi mắt lại phát đỏ như huyết. Lúc trước nhân khi phơi kinh được xem bộ Long Thơ Tịnh Ðộ, biết rõ công đức niệm Phật, nên kỳ thọ giới này, ban đêm sau khi chúng an nghỉ, ngài vẫn ngồi niệm Phật. Ban ngày cho đến lúc viết chữ, tâm cũng không rời Phật. Nhờ đó tuy đôi mắt phát đỏ, vẫn có thể gắng gượng biên chép. Khi giới đàn vừa mãn bịnh đau mắt cũng được lành. Do đây, ngài biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn! Và nhân duyên này cũng là đầu mối khiến ngài quy hướng Tịnh Ðộ và khuyên người niệm Phật. Từ đó, Ðại Sư tiến bước trên đường tu học trải qua các danh lam: Tư Phước Tự, Long Tuyền Tự, Viên Quảng Tự và sau cùng đến chùa Pháp Võ ở Phổ Ðà Sơn.
Trong thời gian ấy, khi thì tham học, lúc duyệt Tam Tạng Kinh, khi lại nhập thất, nên ngài ngộ sâu đến Thượng Thừa, lý sự đều vô ngại. Ðại Sư kiến thức cao siêu, làm việc cẩn mật, nên hai phen được Hóa Văn Hòa Thượng và Ðế Nhàn Pháp Sư mời làm đồng bạn đến đế đô thỉnh ba tạng kinh cho Pháp Võ Tự ở Phổ Ðà Sơn và Ðầu Ðà Tự tại Ôn Châu. Cảm mến hạnh đức, Hóa Văn Hòa Thượng thỉnh ngài về ở lầu Tàng Kinh tại chùa Pháp Võ để tĩnh tâm tu niệm. Tính đến cuối đời nhà Thanh, trong hơn ba mươi năm xuất gia, Ðại Sư trước sau mai danh ẩn tích, không thích cùng người tới lui giao tiếp để hôm sớm yên tu, cầu chứng Niệm Phật tam muội.
Nhưng chuông trống tuy đánh bên trong, tiếng thanh vẫn vang ra ngoài. Cao Tăng dù muốn ẩn mình, Thiên Long cũng đưa duyên phổ hóa. Niên hiệu Trung Hoa Dân Quốc năm đầu, cư sĩ Cao Hạc Niên nhân khi hành hương đến chùa Pháp Võ, lúc trở về đem vài bài văn của Ðại Sư đăng lên Phật Học Tòng Báo ở Thượng Hải, dưới đề tên là Thường Tàm. Tuy chưa biết đó là ai, nhưng văn tự Bát Nhã đã khiến cho độc giả phát khởi căn lành, nhiều người đua nhau dò hỏi hỏi chỗ ở. Lúc ấy, Ðại Sư vừa đúng năm mươi hai tuổi. Mấy năm sau, tung tích cũng bị người tìm biết được; lần lượt kẻ vượt bể lên non cầu lời khai thị, người mượn tin hồng nhạn hỏi lối nam châm. Cư sĩ Từ Uất Như sưu tập văn tín của ngài in thành bộ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, tái bản và tăng đính nhiều lượt, truyền bá cả trong đến ngoài nước.
Ban sơ, khi Từ cư sĩ đem mẹ lên núi cầu xin quy y, Ðại Sư còn bền giữ chí ẩn tu không chịu chấp nhận, bảo sang quy y với Ðế Nhàn Pháp Sư ở chùa Quán Tông tại Ninh Ba. Ðến năm Dân Quốc thứ tám, cư sĩ Châu Mạnh Do đem quyến thuộc lên núi, ba bốn phen đảnh lễ cầu khẩn, xin thâu làm đệ tử tại gia. Ðại Sư quán xét cơ duyên, lý khó khước từ, bất đắc dĩ phải chấp thuận. Tính đến năm ấy, ngài được năm mươi chín tuổi, mới thâu đệ tử quy y lần đầu. Từ đó, hàng thiện tín kẻ viết thư cầu làm đệ tử, người lên non xin được quy y, tất cả đều y giáo phụng hành, ăn chay niệm Phật. Trong một đời giáo hóa, đệ tử tại gia của Ðại Sư, từ hạng quyền quý giàu sang, danh nhơn học sĩ đến kẻ thôn dã thường dân, số lên đến gần ba trăm ngàn người. Có nhiều vị niệm Phật tu hành được sanh về cõi Cực lac.
Ðại Sư trì giới tinh nghiêm, giữ mình rất kiệm ước. Ðồ phục dụng tốt đẹp, cùng thức ăn uống ngon quí người đem đến dâng, nếu không từ khước được cũng chuyển tặng cho những vị xuất gia khác. Còn phẩm vật thông thường thì đều chuyển giao cho nhà kho của chùa để đại chúng cùng thọ hưởng. Bao nhiêu số tiền của dân tín cùng dường riêng cho mình, ngài đều đem in kinh sách, hoặc cứu tế các nạn tai, hay giúp vào những cơ quan từ thiện. Riêng mình chỉ giữ phần cơm thô, áo vải đến trọn đời. Ðại Sư tánh không thích phô trương, có vài Phật tử mến khi ngài còn bé qua giai đoạn xuất gia và ra đời hoằng hóa, viết thành tuyệt ký, rồi gởi đến xin hiệu chính để ấn tống lưu truyền rộng ra. Ngài đều khước từ, gởi nguyên bản trả lại, khuyên xin vì mình mà dẹp bỏ đi. Hai vị hiển quan: Ðào Tại Ðông và Hoàng Hàm Chi có viết thư đem đạo hạnh của Ðại Sư trình lên Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc. Ngài được Từ Tổng Thống phong tặng tấm biển đề "Ngộ Triệt Viên Minh", sai đoàn đại biểu đem đến tận chùa Phổ Ðà, cùng hiến dâng nhiều hương hoa phẩm vật. Hàng đạo tục nghe thấy đều ngợi khen, song riêng ngài vẫn thản nhiên dường không hay biết. Ðại Sư có ba điểm đặc biệt khác hơn những vị xuất gia đương thời. Một là không lãnh làmtrụ trì tự viện lớn, vì cho mình kém đức, e chướng ngại đến sự thanh tu. Hai là không thâu đệ tử xuất gia, vì xét thấy vào thời mạt pháp đã sâu, người xứng đáng với bổn phận xuất gia rất ít, nên không muốn gây nhiều hệ lụy. Ba là không quyên mộ khuyến hóa, bởi thẹn thấy nhiều kẻ vì lợi danh mà làm mất sự thanh khiết của nhà tu.
Về duyên hoằng hóa, Ðại Sư quán xét vào thời mạt vận đạo đức lần suy, nhơn căn hầu hết đều kém yếu; phần đông chỉ ở trình độ giữ Tam Quy Ngũ Giới, niệm Phật ăn chay mà thôi. Như thế cũng gọi là đã có nhiều căn lành rồi. Còn hạng siêu xuất thì thật ra tuyệt ít. Vì thế, đại khái ngài chỉ khuyên giữ trọn luân thường, tin chắc nhân quả, lánh dữ làm lành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Người đáng chiết phục, dù bậc Thiền túc cự Nho, đạt quan danh sĩ, cũng thẳng thắn chỉ trích; kẻ đáng nhiếp thọ, tuy hạng sơ học hậu sanh, nông công nô bộc, cũng từ ái dạy khuyên. Cách giáo hóa của ngài, chỉ đem những sự lý thiết thật bình thường để khuyến ích. Tuy chính mình hiểu sâu Tông, Giáo, song không chuộng huyễn luận cao đàm. Ðại Sư thường tán trợ vào các hội Niệm Phật phóng sanh, khuyên giúp vào các viện từ ấu, dưỡng lão. Ngài cũng sáng lập ra Hoằng Hóa Xã, giao cho người coi sóc, mình lãnh phần chỉ đạo, để ấn tống hoặc phát hành kinh sách và tượng Phật. Trong hơn hai mươi năm, nơi đây đã lưu hành trên một triệu bức tượng Phật, Bồ Tát và hơn năm triệu bộ kinh sách thích ứng với thời cơ.
Về công trình hộ pháp, lúc Âu chiến lần thứ nhứt, chính quyền có nghị định cho dời những kiều dân người Ðức vào ở các chùa. Ðại Sư cố gắng vận động với các bậc quyền thế khiến cho bỏ qua việc đó. Từ năm Dân Quốc thứ hai đến năm Dân Quốc thứ hai mươi lăm, đã nhiều phen chính phủ theo lời đề nghị của những nhà đương quyền có óc duy vật, lần lượt đăng báo muốn sung tài sản chùa chiền vào công quỹ, chiếm các tự viện làmtrường học. Ðại Sư hợp sức cùng chư tăng sĩ và các cư sĩ hộ pháp lập cách giải cứu, khiến cho đều được nạn khỏi tai qua. Ngoài ra, các tiểu tiết khác, ngài chỉ tùy thời dùng đôi lời nói, hoặc một phong thơ; đều tiêu trừ kiếp nạn.
Về phần linh cảm, năm Ðại Sư bảy mươi tuổi được Tăng chúng thỉnh về chùa Báo Quốc. Vào cuối mùa Hạ, nơi đây sanh ra loài rệp rất nhiều. Từ gối chăn màn nệm, đến cửa sổ, án kinh, đâu đâu cũng thấy chúng bò lai vãng. Hàng đệ tử thương ngài tuổi già sợ không kham chịu sự quấy nhiễu, xin vào để tìm cách thâu nhập. Ðại Sư không chấp nhận, chỉ yên tâm niệm Phật cầu nguyện cho chúng đi, không bao lâu, loài rệp đều tuyệt tích. Ngoài thời niệm Phật, ngài thường tụng chú Ðại Bi gia trì vào tàn hương, gạo, hoặc nước, để cứu những bịnh nặng mà các y sĩ đều bó tay. Mỗi lần như thế đều được ứng nghiệm kỳ lạ. Một hôm, nơi lầu Tàng Kinh chùa Báo Quốc phát hiện vô số mối trắng. Ngài hay được liền trì chú Ðại Bi trong nước, bảo đem đến vẩy rưới vào chúng. Loài mối đều kéo nhau bỏ đi nơi khác. Cư sĩ Cao Hạc Niên có lời tự thuật: Sở dĩ ông biết Ấn Quang Ðại Sư là bậc cao tăng, bởi ngài nói những lời rất thông thường, nhưng càng nói những lời rất thông thường, nhưng càng suy gẫm càng thấy đúng với hiện cảnh và sau đều có ứng nghiệm”. Kỳ lên núi Phổ Ðà lần thứ nhứt, lúc nhà Thanh hãy còn, nhân ở ngụ tại chùa lâu ngày, cư sĩ có hỏi Ðại Sư về cuộc diện mai sau. Ngài ứng khẩu đáp bằng một bài thi:
Tuần hoàn kiếp số rất bi thương!
Thoát khổ đâu hơn Cực Lạc bang?
Gắng niệm Di Ðà về bản cảnh
Ðừng mê trần lụy lạc tha hương
Bụi hồng nghiệp trước đời hư mộng
Lửa đỏ ngày sau nước họa ương
Khuyên sớm xa nơi nhiều kiếp nạn
Cùng nhau dạo bước đến Liên phương.
Trong bài thi, ngài ám chỉ nạn binh hỏa về sau, và khuyên người niệm Phật vậy.
Năm Dân Quốc thứ mười bảy, Ðại Sư thành lập Tịnh Ðộ đạo tràng tại chùa Linh Nham, soạn ra chương trình quy củ giao cho Chân Ðạt Hòa thượng nhiếp chúng trụ trì. Từ đó ngài về ở tịnh thất tại Tô Châu. Sau thời niệm Phật, Ðại Sư họp cùng cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh, tu chỉnh bốn quyển Danh Sơn Chí, nói về linh tích các núi: Phổ Ðà, Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa. Năm bảy mươi bảy tuổi vì chiến cuộc bức bách, ngài từ Tô Châu dời về Linh Nham, an cư niệm Phật ba năm.
Năm Dân Quốc thứ hai mươi chín, ngày 24 tháng 10, Ðại Sư dự biết kỳ vãng sanh, cho triệu tập chư Tăng và cư sĩ về chùa Linh Nham. Trong buổi hội đàm, ngài suy cử Diệu Chơn Hòa Thượng kế nhiệm trụ trì, dặn dò các việc mai sau, và bảo: "Pháp môn Niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ. Chỉ cần khẩn thiết chí thành thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn". Qua ngày mùng 4 tháng 11, Ðại Sư cảm bịnh nhẹ, song vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, bảo đem nước rửa tay, rồi đứng lên nói: "Phật A Di Ðà đã đến tiếp dẫn, tôi sắp đi đây. Ðại chúng phải tin nguyện niệm Phật cầu về Tây phương!". Nói đoạn, bước lại ghế ngồi kiết già, chắp tay trì danh theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi an lành viên tịch. Lúc ấy, Ðại Sư tăng lạp được sáu mươi, thế thọ tám mươi tuổi.
Rằm tháng Hai năm sau, nhằm thánh tiết Phật nhập Niết Bàn, cũng vừa đúng kỳ Ðại Sư vãng sanh được một trăm ngày. Hàng đạo tục các nơi hội về Linh Nham trên hai ngàn người, sắp đặt lễ trà tỳ. Lúc ấy bầu trời hốt nhiên sáng tạnh trong trẻo. Khi Chân Ðạt Hòa Thượng cầm đuốc cử hỏa, khói bay lên trắng như tuyết, hiện ra ánh sáng năm sắc. Hôm sau Diệu Chơn Hòa Thượng cùng đại chúng đến nơi khám nghiệm, thấy xá lợi hiện ra nhiều hình dáng, đủ các màu, có thứ gồm ngũ sắc. Tất cả đều cứng như khoáng chất, gõ vào phát ra tiếng trong thanh. Ðại chúng lựa chia thành sáu phần:
1. Nha xỉ xá lợi: gồm ba mươi hai cái răng.
2. Ngũ sắc xá lợi châu: nhiều hạt tròn sáng.
3. Ngũ sắc tiểu xá lợi hoa: hình như các đóa hoa nhỏ.
4. Ngũ sắc đại xá lợi hoa: hình như những đóa hoa lớn.
5. Ngũ sắc huyết xá lợi: do huyết nhục hóa thành.
6. Ngũ sắc xá lợi khối: gồm những khối có nhiều hình dáng, màu sắc.
Tất cả đều để vào lồng kiếng, trân tàng tại bản sơn.
Kế tiếp hàng Tăng Ni và đệ tử lễ bái thỉnh cầu, vị nào có thành tâm khi bới tro tìm kiếm đều được xá lợi. Như Quảng Hiệp Pháp Sư ở Tân Gia Ba, Pháp Ðộ Thượng Nhơn ở Ngũ Ðài, cư sĩ Ngô Quốc Anh ở Phi Luật Tân, cư sĩ Nhạc Huệ Võ ở Thượng Hải, mỗi vị đều được xá lợi màu xanh, màu vàng, huyết sắc hoặc ngũ sắc. Ðại Sư lúc bình thời, ngôn hạnh chân thật, không biểu thị điều chi kỳ lạ nên chẳng thể biết ngài chứng đắc đến đâu. Song hàng Tăng tục xét qua đạo hạnh, sự hoằng hóa thuở còn sanh tiền, đến việc quy Tây và lưu xá lợi khi viên tịch, đều nhận định ngài là bậc thánh nhơn tái lai để tùy cơ độ sanh và hộ trì chánh pháp. Vì thế, nhân ngày kỷ niệm một năm viên tịch, các liên hữu Tăng tục đồng suy tôn Ðại Sư làm vị Tổ thứ mười ba của Liên tông.
Lời phụ:
Tịnh Ðộ không có sự truyền thừa như chư Tổ bên Thiền tông. Sở dĩ có chư Tổ Tịnh Ðộ là do các vị Tăng, tục tu môn niệm Phật đời sau, hợp lại chọn những bậc siêu xuất mà suy tôn. Sự siêu xuất ấy biểu lộ trên ba quan điểm:
1. Về phần kiến thức, phải là bậc hiểu sâu cả Tông lẫn Giáo, ngộ đến thượng thừa.
2. Về phần đạo hạnh, phải giới phẩm tinh nghiêm, tu hành tinh tấn. Khi lâm chung có triệu chứng vãng sanh.
3. Về phần hoằng hóa, phải có công tuyên dương Tịnh Ðộ, hộ trì chánh pháp, khuyến đạo ngàn muôn người niệm Phật.
Trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục chỉ ghi có mười một vị Tổ tông Tịnh Ðộ. Về sau nơi đạo tràng Linh Nham, ngài Ấn Quang họp các liên hữu tăng tục, suy tôn Hành Sách Ðại Sư làm vị Tổ thứ mười, đưa Thật Hiền Ðại Sư lên hàng thứ mười một và Tế Tỉnh Ðại Sư lên hàng thứ mười hai. Sau khi Ấn Quang Ðại Sư vãng sanh, chư liên hữu xét thấy ngài có công lớn với Tịnh Ðộ, mới họp lại đồng suy tôn lên làm vị Tổ thứ mười ba.
Thiền tông tuy có y bát truyền thừa, nhưng mục đích dùng để hiểu tín với quần chúng. Sau đời Lục Tổ, chỉ truyền pháp không còn truyền y bát, vì lúc ấy Thiền hóa đã thạnh hành. Bên Tịnh Ðộ, chư Ðại Sư cũng thuần vì bi trí lợi sanh, không tự gọi mình là Tổ. Chỉ sau khi các ngài viên tịch, người đời sau mới suy tôn lên. Nhưng thật ra, xét kỳ qua mọi phương diện, các vị đều là bậc thánh nhơn ứng hóa, xứng đáng được tôn là Tổ. Những bậc cao tăng thông thường không thể làm được như vậy.
Trong mười ba vị Tổ của Tịnh Ðộ, đã có bảy ngài nguyên là Thiền sư được chánh truyền. Các vị ấy là: Thừa Viễn, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích, Hành Sách, Tỉnh Am và Triệt Ngộ. Tại sao các ngài đã ngộ Thiền mà không hoằng Thiền, trở lại hoằng Tịnh? Trong đây có ba nguyên yếu:
1. Về pháp môn: Trực Chỉ Thiền chỉ có lợi cho bậc thượng thượng căn, hàng trung, hạ khó bề thể nhập (“Phi thượng thượng căn, thận vật khinh hứa” - Tổ ngữ). Còn môn Tịnh Ðộ thì lợi khắp cả ba căn. Hàng thượng thượng căn tu Tịnh Ðộ có thể hiện đời ngộ được bản tâm, chứng Niệm Phật tam muội, khi mạng chung sanh về Thượng phẩm. Dù kẻ tối hạ căn nếu chuyên niệm Phật cũng được đới nghiệp vãng sanh, lên ngôi Bất Thối. Khi đã vãng sanh, kề cận Di Ðà, gần gũi thánh chúng, thọ mạng vô biên kiếp, lo gì không ngộ chân tâm, chứng thánh quả! Vì sự lợi ích rộng rãi chắc chắn như thế, các ngài mới khuyên tu Tịnh Ðộ!
2. Về thời tiết: Trong thời Chánh Pháp, có thật hành phần nhiều đều chứng quả, hoặc đi sâu vào thiền định để làm cơ bản cho những kiếp tu sau. Qua thời Tượng Pháp, sự ngộ đạo còn có ít người huống chi là chứng! Ðến thời Mạt Pháp, như kinh Ðại Tập nói: "Ức ức người tu hành, song khó tìm một người ngộ đạo". Dù được ngộ đạo, nhưng chưa phải chứng, phiền não nghiệp tập hãy còn, khi luân hồi bị phước báo làm mê, mười người đã thối chuyển hết chín. Do đó, từ cuối thời Tượng bước sang Mạt Pháp, chư đại thiện tri thức lần lần chuyển hướng dạy người tu Tịnh Ðộ. Vì bấy giờ thiền hóa còn thạnh hành, các ngài thị hiện phương tiện, trước triệt ngộ Thiền cơ, sau hoằng dương Tịnh Ðộ, mới được người đương thời tín nhiệm tuân hành.
3. Về cơ duyên: Từ đầu Mạt Pháp trở về sau, căn cơ của quần chúng hầu hết là hạng trung, hạ. Muốn thật hiện mục đích lợi sanh trong thời đại này, chư Bồ Tát phải tùy cơ duyên mà chủ trương Tịnh Ðộ. Các tông khác tuy cũng rất cần chấn hưng, nhưng chỉ thuộc phần thứ yếu, bởi sự lợi ích không được phổ cập. Từ trước chư tôn túc trong các tông khác xét biết điều này, nên tuy vẫn hoằng dương bổn môn mà phần nhiều đều quy hướng Tịnh Ðộ. Như Chân Yết Liễu thiền sư nói: "Những vị dưới tông Tào Ðộng đều mật tu Tịnh Ðộ, bởi Tịnh Ðộ thấy Phật còn dễ hơn Thiền tông" (Ðộng hạ nhất tông giai cụ mật tu, dĩ Tịnh Ðộ kiến Phật vưu giản vị ư Tông môn).
Về như thời cận đại, Ðế Nhàn Pháp Sư tuy truyền bá tông Thiên Thai, song vẫn niệm Phật. Khi sắp viên tịch, ngài đọc lời kệ khuyến tấn đại chúng:
Tôi nhờ niệm Phật.
Tịnh Ðộ hiện tiền.
Thọ dụng chân thật.
Chúng gắng tinh chuyên!
Ấn Quang Pháp Sư trong bức thư gởi cho Thể An Hòa thượng có nói: "Trong mấy mươi năm lịch duyệt Bắc, Nam, đi về hàng muôn dặm, tôi kinh nghiệm thấy những vị thông minh hiểu suốt Tông giáo, khinh thường Tịnh Ðộ, khi lâm chung phần nhiều mê loạn, đôi khi có trạng thái kêu la. Còn những người chân thật niệm Phật, dù tín nguyện chưa chí thiết, không có thoại ứng lúc lâm chung, nhưng họ chết đều yên ổn cả".
Cho nên, từ lúc sanh tiền đến khi quá vãng, môn Niệm Phật đích thật là con thuyền cứu khổ nhơn sanh trong thời buổi này vậy.
Trích Mấy Ðiệu Sen Thanh Quyển 1 - Hòa Thượng Thích Thiền Tâm