Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

THIỀN

(trích nguồn: báo xuân Viên Giác số 138)
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hạnh

Thiền là pháp môn luyện tập mà hiện nay đang thịnh hành trên khắp thế giới.

Ngày xưa khi nói đến Thiền người ta thường nghĩ đó là pháp môn tu dành riêng cho giới tu sĩ Phật Giáo hay những người tu tịnh theo Ðạo học Lão Trang (tu Tiên) ở Á Ðông. Nhưng ngày nay Thiền đã lan rộng ngoài phạm vi tôn giáo. Nhiều Thiền đường đã được dựng lên tại nhiều nước Âu, Mỹ... Có một số người theo các tôn giáo khác hoặc không tôn giáo cũng áp dụng Thiền. Cho nên có thể nói Thiền là vấn đề phổ quát trong đại chúng ở hậu bán thế kỷ 20 nầy.

Tại sao Thiền có tầm phổ quát như vậy? Thực hành Thiền đem lại kết quả gì mà hiện nay có nhiều người áp dụng.

Chúng tôi trình bày sơ lược về vấn đề Thiền. Dĩ nhiên với một bài ngắn gọn nầy không làm sao diễn tả hết ý của Thiền vốn mênh mông rộng lớn như biển cả, như lá của rừng già... Tuy nhiên tôi cố gắng trình bày một cách khái quát căn bản về Thiền. Nhất là ngày nay người ta cho rằng Thiền là phương thuốc mầu nhiệm có khả năng cứu chữa hoặc xoa dịu cơn khủng hoảng tinh thần của con người trong sự biến động của nền văn minh vật chất vượt cao đến tột đỉnh.


I.- NGUỒN GỐC
Theo tự điển Hán Việt, chữ Thiền là phiên âm chữ DHYANA của tiếng Phạn có nghĩa là Ðịnh Niệm.

Dhyana là giai đoạn thứ 7 trong 8 giai đoạn căn bản tu luyện của khoa Yoga. Tám giai đoạn như sau:

1. Yama (Không thoá mạ, không tham vọng, không tội lỗi.
2. Niyana (Thân thể trong sạch).
3. Asana (Ngồi tập đầu vế ngay ngắn để xương sống thoải mái).
4. Prama yana (Tinh thần nội hướng, phản tĩnh thân thể).
5. Pratyahara (Ðiều ngự hơi thở để kiểm soát sinh lực).
6. Dharona (Tập trung tinh thần).
7. Dhyana (Ðịnh niệm).
8. Samadhi (Giác ngộ).

Như vậy Thiền được xem như phát xuất từ môn phái Yoga của đạo Bà La Môn ở Ấn Ðộ hơn một ngàn năm trước Tây lịch. Vào thời đó Thiền là một trong những pháp môn tu của đạo sĩ Bà La Môn chưa được phổ biến sâu rộng. Ðến khi Ðức Phật Thích Ca ra đời, xuất gia hành đạo thì Ngài áp dụng Thiền một cách triệt để. Ngài cho rằng Thiền là pháp môn tu quan trọng để đưa con người đến chứng ngộ đạt đạo.

Sau khi chứng ngộ dưới cội Bồ Ðề, Ngài quan sát cõi hồng trần Ðức Phật đã thốt lên: "Thật là kỳ diệu thay tất cả mọi chúng sinh điều có Phật tính, nhưng vì bị vô minh che lấp nên họ không nhận ra điều ấy". Lời tuyên bố đầu tiên của Ðức Phật chính là tinh yếu toàn bộ giáo lý của Ngài. Ðúng như thế, mọi chúng sinh dù nam hay nữ, dù đẹp hay xấu, dù đau yếu hay khỏe mạnh, dù giàu sang hay nghèo khó... đều có Phật tính như nhau. Trải qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi, tâm thức của chúng sinh bị cái lớp vỏ cứng của vô minh bao phủ nên không thể nhận thức được cái Phật tính vốn toàn vẹn trong sạch hoàn hảo kia nữa. Muốn giải thoát con người phải quay về cái Phật tính đó để thấy rõ rằng đã bao lâu nay chúng ta để cho cái vô minh lôi cuốn mà không hề hay biết. Phương pháp hữu hiệu nhứt để trở về với cái Phật tính thanh tịnh đó là Tọa Thiền. Lịch sử Phật giáo đã chứng minh một cách hùng hồn rằng từ Ðức Phật đến các đệ tử của Ngài và các vị Tổ về sau đều giác ngộ là nhờ công phu Tọa Thiền. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh thật ra không hề khác nhau. Cái tâm nầy có thể ví như mặt nước hồ, tâm Phật như mặt nước yên tĩnh trên đó mặt trăng chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn, trong khi tâm của chúng sinh giống như mặt nước bị những làn sóng vô minh khuấy động nên không phản chiếu gì được. Mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng, do đó vấn đề tu tập là làm sao cho tâm của mình có thể phản chiếu một cách rõ ràng mặt trăng chân lý mà thôi. Bây giờ chúng ta tự hỏi cái gì đã làm cho tâm chúng ta khuấy động? Phải chăng đó là những bản ngã hẹp hòi, thành kiến cố định, những cuộc sống nông cạn, và đã trải qua bao nhiêu kiếp sống vô ý thức, vọng niệm đã trở thành một thói quen không dễ gì bỏ ngay được.

Ðức Phật cũng dạy rằng tất cả tư tưởng dù thanh cao hay xấu xa đều có khởi đầu và chấm dứt, nhưng vì nó cứ tiếp tục nổi lên mãi nên ta tưởng rằng nó thường hằng. Nếu những tư tưởng nầy cứ tiếp tục khuấy động tâm chúng ta thì chúng ta không phân biệt được cái thực cái hư. Con người thường đánh giá cao các tư tưởng trừu tượng, các phân biệt của lý trí và lý luận. Nhưng tất cả những cái nầy đều là sản phẩm của tư tưởng, mà đã là sản phẩm của tư tưởng thì vốn vô thường có sinh thì ắc có diệt thì gốc rễ của nó đã nằm ở chỗ vô minh.

Thiền là phương pháp làm ngưng lại và Thiền là phương pháp làm ngưng lại và dứt đi những tư tưởng nầy, một khi các làn sóng tư tưởng khuấy động dứt tuyệt đi thì chúng sẽ thấy mặt trăng chân lý lúc nào cũng chiếu sáng, giây phút nhận ra điều nầy tức là kiến tính tức là giác ngộ, tức là hiểu rõ chân thật của tự tánh, khác với những ý niệm lý luận hay triết học vốn phát xuất từ tư tưởng nghĩa là có khởi đầu và có chấm dứt và có thể thay đổi theo thời gian. Sự chứng ngộ với các làn sóng tư tưởng chấm dứt nầy không thay đổi hay có thể mất được nó sẽ ở mãi mãi với chúng ta, từ đó chúng ta có thể sống một cách thoải mái, bình an trong cái tâm đầy phúc lạc thanh thản đó. Do tầm quan trọng của Thiền mà sau khi trở lại thế gian hoằng pháp lúc nào Ðức Phật cũng khuyên chư tăng nên siêng năng Tọa Thiền. Ngài nói: "Có Thiền trí huệ sinh, không Thiền trí huệ diệt" và Thiền là 1 trong 6 pháp môn tu quan trọng của Phật giáo gọi là pháp tu Lục Ðộ hay còn gọi là 6 phép tu Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Trí huệ, và Thiền định.

Sau khi Ðức Phật tịch diệt, các môn đệ của Ngài vẫn áp dụng Thiền một cách triệt để. Từ đó Thiền được thịnh hành trong Phật giáo và bắt đầu lan ra trong đại chúng. Ðến thế kỷ thứ 6 Thiền được truyền từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc do Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma vào năm 528. Bồ Ðề Ðạt Ma xem như là vị Sơ Tổ khai sáng Thiền Trung Quốc, kế đến là Huệ Khả, Tăng Xán, Ðạo Tín, Hoằng Nhẫn, và Huệ Năng... Thiền bắt đầu phong phú và đa dạng về sau càng rực rỡ hưng thịnh, lập thành những tông phái như Tào Ðộng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Lâm Tế, Qui Ngưỡng...

Việt Nam tiếp nhận Thiền rất sớm, vào thế kỷ thứ 7. Vị Tổ đầu tiên tên là Tì Ni Ða Lưu Chi (Vinitaruci) người Ấn Ðộ. Năm 580 Ngài đến Việt Nam trụ trì ở chùa Pháp Vân tỉnh Hà Ðông. Từ đó Thiền được khai mở qua các đời Tổ như Pháp Hiền, Thanh Biện, Ðịnh Không... Ðến đời Vạn Hạnh Thiền Sư (năm 1.000) thì Thiền được thịnh hành và rực rỡ. Sau đó có nhiều vị Thiền Sư nổi tiếng như Thiền Lão thuộc phái Vô Ngôn Thông, kế đến là phái Thảo Ðường. Thảo Ðường là vị Thiền Sư nổi tiếng không khác gì Lục Tổ Huệ Năng ở Trung Quốc. Sau đó là các vị Thiền Sư nổi tiếng như Viên Chiếu, Thường Chiếu... Ðặc biệt vào đời Nhà Trần, Thiền càng rực rỡ hơn. Các vị vua Nhà Trần có truyền thống tu hành rất tinh tấn. Vua Trần Nhân Tôn là vị Thiền Sư khai sáng phái Trúc Lâm. Việt Nam có nhiều phái Thiền không kém gì Trung Quốc như Thảo Ðường, Trúc Lâm, Tào Ðộng, Lân Giác, Lâm Tế, Liễu Quán... mà hiện nay còn thịnh hành trong đại chúng.

Thiền vào Nhật Bản sau Việt Nam gần 7 thế kỷ. Nhưng Thiền (Zen) ở Nhật Bản phát triển hết sức rực rỡ nó trở thành sắc thái đặc thù của dân tộc Nhật.

Ngày nay Thiền được phổ biến sâu rộng trên thế giới. Thiền được xem như kết hợp giữa Thiền của Phật Giáo và phương pháp Yoga. Người Âu Mỹ quan niệm Thiền như môn thể dục tâm sinh lý.

II.- QUAN NIỆM VỀ THIỀN
Có một số người ca ngợi Thiền như một cụ già, càng già càng đẹp và bất hoại với thời gian. Câu ví von ấy có phần chí lý. Vì Thiền đã có hơn 25 thế kỷ, với thời gian rất dài như thế mà ngày nay vẫn còn giá trị. Cái đẹp ở đây là Thiền ngày càng phong phú, càng rực rỡ, càng phát triển đa dạng và ngày nay đã lan rộng trên khắp thế giới, được nhiều người thực hành áp dụng.

Nhưng người ta cũng lắm tô vẽ Thiền, biến Thiền thành một thần bí, huyên náo. Thiền được tô vẽ đủ mọi sắc thái, nhất là khi Tổ Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Quốc khai sáng phái Thiền Tông tại xứ nầy. Ngài trụ ở chùa Thiếu Lâm và dạy các môn đệ vận công phu luyện tập và đã đạt được những thành tựu của thần lực, công lực... Rồi người ta tô vẽ Thiếu Lâm Tự thành một môn phái với nhiều sắc thái kỳ bí. Ví dụ như Tổ Ðạt Mạ ngồi 9 năm quay mặt vào vách đá núi Tung Sơn (Cửu niên diện bích) họ biến thành những chuyện thần bí hoang đường. Nhất là sau nầy sự ra đời tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Thiền được tô vẽ thêm biến thành những môn phái chưởng quản khắp chốn giang hồ, những anh hùng hào kiệt bốn phương? muốn trở thành giáo chủ ít ra phải thọ giáo với một môn phái nào đó, phải dày công tu luyện để đạt dến đỉnh cao của thần lực, công lực, hoặc có thể thấu thị mọi chuyện quá khứ vị lai...

Cũng có một số người tu Thiền, hành Thiền rồi bị tẩu hỏa nhập ma... cho nên người ta lại e dè với Thiền, sợ tu không đúng phương pháp sẽ bị tai hại. Ðiều nầy cũng có phần đúng, đó là quan niệm về Thiền do vọng tưởng quá độ.

Thật ra Thiền không phức tạp, không huyên náo như thế. Thiền cũng không thần bí mộng mị. Nếu hiểu Thiền một cách rốt ráo thì Thiền hết sức đơn giản. Hành Thiền cốt đem lại sự thanh thản của tâm hồn, an nhiên tự tại, có thế thôi. Thiền sư Suzuki nói: "Thiền là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh để đưa con người? từ phiền trược đến an vui giải thoát". Nhưng hành Thiền để đạt tới sự an lạc thanh thản tâm hồn phải qua một quá trình tu tập cũng không phải đơn giản.

III.- CÁC PHƯƠNG PHÁP THIỀN

Khi đề cập đến phương pháp Thiền? là phải đề cập đến hai vấn đề Thân và Tâm.

1.- Về Thân: 
Khi nói đến Thiền thì đa phần người ta nghĩ ngay đến tọa Thiền, nghĩa là ngồi Thiền. Thật vậy ngày xưa Ðức Phật Thích Ca ngồi dưới cội Bồ Ðề 49 ngày và Ngài đắc đạo tại đây. Ngài luôn luôn dùng tư thế ngồi. Ngài thường khuyên chư tăng nên siêng năng ngồi Thiền. Ngài áp dụng lối ngồi kiết già hay còn gọi là ngồi hoa sen, nghĩa là ngồi xếp bằng hai chân tréo lại lật ngửa hai bàn chân lên. Lối ngồi nầy rất đau chân cho những ai mới tập. Khoa Yoga chủ trương áp dụng lối ngồi nầy, họ cho rằng không ngồi kiết già được là không thể tập Yoga được.

Theo Phật Giáo, ngồi kiết già sẽ phát ra tướng lộ trang nghiêm, người nhìn thấy sẽ phát lòng kỉnh tâm. Ngồi là tư thế yên ổn nhất, vững chắc nhất. Bài chú nguyện trước khi ngồi kiết già: "Kiết già phu tọa đương nguyện chúng sinh, Bồ Ðề kiên cố, bất đắc động địa...".

Qua các đời Tổ sau nầy cũng áp dụng lối tọaThiền. Tổ Ðạt Ma cũng chủ trương ngồi. Ngài đã ngồi quay mặt vào vách đá núi Tung Sơn 9 năm liền. Trong Thiên Thai Chỉ Quán có nói: "Ði đứng tâm dậy khó trừ, nằm thì hôn trầm khó diệt. Một trong tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Ngồi được xem là phương pháp an ổn nhất, vững chắc nhất". Ngoài ra tông phái nầy cũng chủ trương ngồi kiết già để giao hòa âm dương trong thân thể để khai khiếu huyền quang làm cho các luân xa trong cơ thể khai mở.

Xem đó chúng ta thấy ngồi là tư thế căn bản của Thiền mà từ Ðức Phật cho đến các vị Tổ về sau đều chủ trương. Ngày nay người ta còn cho rằng ngồi là tư thế để cho xương sống thẳng đứng, biểu tượng cho sự thăng hoa tiến hóa, vì chỉ có con người mới có xương sống thẳng đứng. Học thuyết Tiến hóa của Darwin cũng có đề cập vấn đề nầy.

Nhưng đến đời Lục Tổ Huệ Năng và các vị Tổ về sau không chủ trương hành Thiền là nhứt thiết phải ngồi. Các Ngài cho rằng ngồi hay nằm chỉ là tư thế của thân, không phải cứu cánh của sự giải thoát. Muốn đạt đến đạo quả giải thoát phải dày công hành trì của tâm thức, còn tư thế nằm hay ngồi không quan trọng. Câu chuyện sau đây giữa Nam Nhạc và Mã Tổ:

Mã Tổ rất siêng năng ngồi Thiền. Một hôm Nam Nhạc hỏi Mã Tổ: Ngài ngồi để làm gì? Mã Tổ đáp: Ngồi để thành Phật. Một hôm Nam Nhạc đem cục gạch đến trước Mã Tổ đang ngồi Thiền mà mài cục gạch. Mã Tổ hỏi: Ngài mài cục gạch để làm gì? Nam Nhạc trả lời: Tôi mài gạch để làm gương. Mã Tổ ngạc nhiên nói: Làm sao mài gạch mà làm thành gương được. Nam Nhạc bèn nói: Tôi mài gạch không thể thành gương được, cũng như Ngài ngồi Thiền cũng không thể thành Phật được. Thành Phật hay không là do cái tâm. Cũng như có chiếc xe trâu kia không chạy, muốn chiếc xe chạy Ngài nên đánh con trâu hay đánh cái xe? Mã Tổ nghe đến đây bỗng nhiên giác ngộ.

Như vậy kể từ Lục Tổ Huệ Năng về sau không chủ trương Thiền nhứt thiết là phải ngồi mà Thiền trong tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Tư thế nào cũng có thể đều Thiền được hết.

Ngày nay Thiền được phổ biến trong đại chúng. Thiền được áp dụng nhiều tư thế: Hoặc ngồi kiết già, hoặc ngồi bán già, hoặc ngồi thòng hai chân, miễn trong tư thế thoải mái không câu thúc khó chịu. Nhưng đa phần trong các Chùa, Tu viện, Thiền viện ngày nay người ta vẫn áp dụng lối ngồi kiết già khi tọa Thiền. Nhưng dù trong tư thế nào khi ngồi Thiền thân thể cũng phải trang nghiêm. Ðiều quan trọng là làm sao cái tâm được an tịnh. Ðó mới chính là cốt tủy của Thiền.



2.- Về Tâm

Như trên đã trình bày Thiền được phiên âm từ chữ Dhyana có nghĩa là Ðịnh Niệm. Thiền là phương pháp làm ngưng lại những tư tưởng khuấy động để tâm thức được an tĩnh. Thiền có nhiều pháp môn để rèn tâm tùy theo các tông phái. Ví dụ như Tịnh Ðộ Tông áp dụng niệm Phật, Bắc Tông dùng trì chú, tụng kinh, Nam Tông dùng hơi thở, tâm quán... Niệm Phật, trì chú, tụng kinh, lần chuỗi, tâm quán... đều có mục đích là câu thúc cái tâm định lại một chỗ không cho nó tự do phóng túng nữa.

Ðịnh niệm là gì? Niệm là dòng suy tưởng do tâm thức sinh ra, dòng suy tưởng nầy vô cùng phức tạp biến hóa không ngừng, chỉ trong một giây tíc tắc ý tưởng có thể từ đông sang tây xa cách muôn vạn dặm, đang nhớ người thân bên Mỹ liền sang Úc... Ðang ở hiện tại bỗng nhớ về quá khứ hàng mấy mươi năm, đang thương bỗng ghét liền sau đó. Cùng một sự việc nhưng sự nhận xét phán đoán tùy tâm hỉ, nộ, ái, ố khác nhau. Dòng tâm thức nếu không chế ngự thì nó luôn biến động không ngừng nghỉ, tâm ý như con vượn, con ngựa cứ lăng xăng không ngừng nghỉ. Nhà Phật nói: Tâm viên, ý mã là vậy.

Tóm lại ý niệm con người thiên hình vạn trạng nó luôn luôn nương theo lục căn: mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý và lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp kích động tâm thức sinh tình thương ghét, buồn vui... làm cho tâm lúc nào cũng điên đảo quay cuồng theo sắc, tướng, âm thinh... nên che lấp sự sáng suốt mà Ðức Phật gọi là vô minh. Nghĩa là tâm cứ chạy theo vật, theo cảnh mà quên mình và không thấy được chính mình. Cho nên niệm Phật, trì chú, lần chuỗi, trì kinh... có mục đích là kềm cái tâm lại một chỗ mà không nghĩ tới những chuyện khác, các phương pháp nầy rất tốt, nhưng có điều bất lợi là khi xả Thiền rồi thì tâm lại tiếp tục lăng xăng. Ðây không phải là lối Thiền của những bậc Tổ. Các Ngài chủ trương không nên câu thúc cái tâm một cách tuyệt đối, các Ngài khuyên: Ý niệm đến tâm thức con người cứ để nó tự nhiên, nó đến và đi một cách thong thả. Ví như con nhạn bay qua dòng suối, thì ảnh của nó tự nhiên in dưới đáy nước, muốn cưỡng ép thế nào để cho ảnh của nó không hiện dưới đáy nước cũng không được, và khi nó bay qua rồi muốn lưu giữ hình ảnh của nó mãi cũng không được.

Nếu tâm chúng ta cứ câu thúc một chỗ thành thử tu Thiền ta lại sa vào một ràng buộc khác, như người giàu canh giữ kẻ trộm đêm nào cũng canh giữ, ngày cũng canh giữ, đêm cũng canh giữ, người ấy dần dần sẽ mòn mỏi chết đi. Người tu Thiền không nên câu thúc cái tâm như người giàu canh kẻ trộm mà nên câu thúc khi nó vọng tưởng sinh tình. Ðức Phật có khuyên: "Không nên chế ngự ý ở mỗi thời mà nên chế ngự ý khi tham sân si".

Cũng có một số người tu Thiền được một thời gian đạt được những kết quả như tâm được an tĩnh... Rồi họ bỗng nghe được những âm thanh kỳ diệu, hoặc có thể xuất hồn vân du đó đây hoặc đến Bồng lai Tiên cảnh được các Tiên trưởng ấn chứng. Hoặc họ hưởng được mùi hương lạ, họ lại cho ràng họ đã chứng ngộ được đạo. Ðó là những vọng niệm dấy lên mà trong Nhà Phật gọi là ma cảnh. Ma cảnh là những hiện tượng không có thực, đó là những ảo tưởng. Ma cảnh có thể khuấy động chúng ta nhiều cách như lòng mong muốn mau đạt kết quả, mau chứng ngộ, hoặc mong đạt đến những trạng thái thần lực, công lực... Tất cả đều là vọng động sai lệch mục đích của Thiền.

Thân và tâm có liên quan mật thiết với nhau, một cái đau đớn của thân thì tâm không làm sao an vui thoải mái được, ngược lại một sự khủng hoảng của tâm thì thân không làm sao bình an được. Cho nên áp dụng thực hành Thiền là mục đích điều tức cả hai thân và tâm được an vui thoải mái. Vì thế khi ngồi Thiền? không nên câu thúc cái thân đau đớn khó chịu, mà ngồi trong tư thế thoải mái bình an và tâm yên lặng, không để cho bất cứ một vọng niệm nào khuấy động dù ý niệm đó có thiện lành đi chăng nữa. Nhưng khi Thiền đã đạt đến trình độ cao thì tâm không vướng mắc vào thân nữa. Bằng chứng có những vị Thiền sư? già nua đau bệnh mà không cảm thấy khó chịu, lúc nào cũng ung dung tự tại. Họ có thể thích nghi mọi tình huống, biến nghịch cảnh thành thuận cảnh, biến đau khổ thành an vui. Tâm không trói buộc vào một định chế nào.

Trong cuộc sống ngày nay, khi nền văn minh vật chất ngày càng vượt bực, cuộc sống của con người cũng bị biến động theo. Cuộc sống ngày nay không còn đơn giản như ngày xưa nữa. Cách đây 40 năm người ta có thể sống trong một mái lá đơn sơ, bên cạnh liếp rau, ao cá, người ta có thể sống một cuộc đời bình an thanh thản, không lo âu phiền muộn... Ngược lại cuộc sống ngày nay vô cùng phức tạp, đòi hỏi nhiều nhu cầu, và vì phải chạy theo những nhu cầu đó làm cho con người luôn luôn quay cuồng theo vật chất, theo nếp sống văn minh, rồi sinh ra đủ thứ phiền não. Ra đường thì kẹt xe hàng chục cây số, đi làm thì hối hả sợ bị trễ giờ, trong sở làm thì cũng lắm phức tạp, sợ bị sa thải, sợ bị thất nghiệp, sợ đồng nghiệp ganh tị, sợ ông chủ buồn lòng, ở gia đình thì con cái đua đòi, sống bê tha, vợ chồng hục hặc vì đồng lương kém cỏi. Ấy là chưa kể những nỗi khổ do nội tâm, lo âu những việc chưa đến, sầu khổ và nuối tiếc những việc đã qua. Xét cho cùng thì đời đâu có gì là hạnh phúc, nếu có thì cũng chỉ là giây phút ngắn ngủi mà thôi. Tất cả mọi người trên thế gian nầy ai cũng có cái khổ riêng, người nghèo có cái khổ của người nghèo, người giàu sang quyền quí có cái khổ của người cao sang quyền quí. Ðâu có ai ngờ Hoàng gia Anh bên trong cũng lắm điều rối rắm. Cho nên Ðức Phật mới than rằng: "Ðời là bể khổ mênh mông, nước mắt của chúng sinh nếu cộng lại sẽ nhiều hơn bốn đại dương bát ngát". Trong hoàn cảnh như thế ta có thể nào làm thay đổi cục diện được không. Rất khó, làm sao giải quyết được nạn kẹt xe, làm sao tìm sở làm cho hợp ý mình... Vậy thì chỉ còn phương pháp duy nhất là thay đổi cái tâm của ta. Ðó là phương pháp Thiền, áp dụng Thiền. 

Thiền giúp ta thích nghi mọi hoàn cảnh, tùy thuận mọi tình huống. Sự tri túc sẽ đem đến cho ta những điều lợi lạc vô cùng. Ta cố gắng tránh? những cám dỗ của vật chất, hoặc đua đòi. Ta nhận thức rằng cám dỗ luôn luôn làm khổ cho ta. Thiền giúp cho ta lắng đọng ưu tư phiền não, khi tâm thức lắng đọng dần dần sẽ đạt đến trạng thái an tĩnh? buông xả hoàn toàn. Buông xả nghĩa là không chứa chấp những gì trong tâm ta. Tâm lúc nào cũng rỗng không trong Ðạo học gọi là "Tâm Hư" không chấp thương, không chấp ghét, không chấp xấu, tốt, khen, chê... Không có gì khuấy động được tâm, lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy an tĩnh nhẹ nhàng, ta sẽ cảm nhận được cái đẹp của tạo hóa, một đóa hoa đơn sơ cũng làm cho ta có cảm giác tuyệt vời, ăn một ngọn rau cũng thấy hương vị ngọt ngon của Trời Ðất. Ðức Khổng Tử có lẽ đã cảm nhận được điều dó nên Ngài nói: "Tâm an mao ốc ổn, tánh định thể căn hương" (Khi tâm an thì ở nhà tranh vách đất cũng thấy vui, tánh định ăn ngọn rau cũng thấy hương vị ngọt ngon của Trời Ðất).

III.- ÍCH LỢI CỦA THIỀN
Theo Ðạo học thì Trời Ðất là một Ðại Thiên Ðịa, con người là một Tiểu Thiên Ðịa. Cơ thể con người rất mầu nhiệm, nếu biết khai thác và luyện tập thì sẽ đạt đến những trạng thái lạ thường, các Ðạo sĩ Yoga đã làm điều đó, và ngày nay khoa học cũng đã chứng minh và xác nhận điều đó. Ðạo sĩ Vivekananda nói người tu Thiền có thể khai thông được nguồn sinh lực mới đầy năng động vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người chứng ta. Hệ thống sinh lực nầy gồm có 7 trung tâm chứa đựng đầy tính lực của vũ trụ. Với người thường hệ thống nầy bị bế tắc, nhưng người tu Thiền có thể được khai thông một cách dễ dàng nếu được vị Thiền Sư có kinh nghiệm chỉ dẫn.

1/ Trung tâm thứ nhứt nằm dưới chót xương sống (Theo Vivekananda, đó là nơi trú ngụ của con rắn lửa, người Tàu dịch là Hỏa Tam Muội)
2/ Trung tâm thứ nhì nằm cuối bụng dưới.
3/ Trung tâm thứ ba nằm sau rốn.
4/ Trung tâm thứ tư nằm chỗ quả tim.
5/ Trung tâm thứ năm nằm dưới yết hầu.
6/ Trung tâm thứ sáu nằm giữa hai chân mày.
7/ Trung tâm thứ bảy nằm giữa đỉnh đầu.

Khi trung tâm thứ nhứt được khai thông, luồng lửa Tam Muội sẽ lan đến trung tâm kế tiếp, khi lan đến đâu thì nó nóng ran đến đó. Việc thực hành lửa Tam Muội đã được khoa học trắc nghiệm. Năm 1979 khi Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đến Hoa Kỳ. Bác sĩ Herbert Khoa trưởng Phân khoa Y học hành xử thuộc Ðại học Harvard Hoa Kỳ xin được nghiên cứu về trạng thái sinh lý của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Với nhiều dụng cụ y khoa tối tân, Bác sĩ Herbert đo ngoài da lẫn trong hậu môn? nhiệt độ gia tăng nầy có thể làm khô tấm vải nhúng nước lạnh quấn quanh vị Ðại sư đang ngồi Thiền dưới 0 độ C, ngay cả ngồi trên tuyết suốt đêm, thân nhiệt vẫn không thay đổi. Ngoài ra số lượng khí hít vào phổi giảm đến mức tối thiểu, chỉ thở độ 7 lần trong một phút trong khi người thường thở 16 lần trong một phút.

Trong những năm gần đây hai ngành y học và khoa học đã nghiên cứu về Thiền rất nhiều. Ðặc biệt là công trình nghiên cứu của Bác sĩ Hirai, Kasamattsu và Ikemi thuộc Ðại Học Tokyo và Bác sĩ Herbert Ðại Học Harvard Hoa Kỳ họ đã tập trung nghiên cứu về Thiền, và gần đây Bác sĩ Liu Gui Zen Viện Khí Công Trị Liệu Trung Quốc đã chứng nghiệm trên 250 Thiền giả, kết quả thật bất ngờ ngoài sự tưởng tượng. Họ đi đến kết luận: Thiền có thể giúp trị được những chứng bệnh sau đây:



* Hệ tiêu hóa:

- Loét dạ dày và ruột non.
- Táo bón kinh niên
- Ăn uống chậm tiêu.

* Hệ Hô hấp:

- Bệnh viên phế quản kinh niên.
- Bệnh khó thở, suyễn.
- Sổ mũi mùa.

* Hệ Thần kinh:

- Suy nhược thần kinh.
- Bệnh tâm thể.
- Bệnh mất ngủ.
- Chứng ưu tư.
- Ðau nhức thần kinh.
- Loạn tâm thần ám ảnh.

* Hệ tim mạch:

- Áp huyết cao.
- Phong thấp các van tim (Rhumatisme valvulaire cardiaque)
- Nhồi máu cơ tim.
- Bệnh chóng mặt
- Teo thần kinh thị giác (Atrophic optique)
- Bệnh huyết kết tĩnh mạch.

Ngoài ra Thiền còn giúp tăng cường sức đề kháng, ít bệnh tật, tăng tuổi thọ.

Hai Trường Ðại Học Tokyo và Harvard đã làm một tổng luận và kết luận như sau:

Thiền là phương pháp mà người thực hành nhằm vận dụng khai thác tiềm năng sẵn có trong mỗi cơ thể con người. Tiềm năng nầy ẩn tiềm trong cơ thể thật là vô biên. Sau khi hành thiền một thời gian cơ thể thay đổi một cách rõ rệt. Thiền đưa đến kết quả như sau:

* Làm nhịp tim chậm lại: Áp suất máu giảm một cách rõ rệt.

* Làm hô hấp chậm lại, nhịp thở của người bình thường 16 nhịp trong 1 phút, người hành thiền sẽ chậm lại từ 5 đến 7 nhịp trong 1 phút. Khi nhịp thở chậm lại sẽ làm giảm tiêu thụ khí oxy. Ðây là điều quan trọng để đo lường sự thư giãn. Khi Thiền sự tiêu thụ oxy còn thấp hơn khi ngủ. Vì thế Thiền là một sự thư giãn hoàn toàn. Người ta kết luận khi Thiền cơ thể khỏe, sảng khoái còn hơn một giấc ngủ say. Những người Thiền đến trình độ cao sự tiêu thụ oxy đến mức tối thiểu. Cho nên chúng ta không lấy làm lạ tại sao có nhiều Ðạo sĩ Yoga Ấn Ðộ giam mình trong hòm kín cả tháng trời mà không chết ngộp.

* Thiền làm cho lượng glucose trong máu giảm rõ rệt. Theo y học khi hoạt động trên mức độ bình thường thì đòi hỏi một lượng glucose tăng gấp 3 lần, nếu thiếu glucose não sẽ bị tê liệt không hoạt động. Ðiều nầy ta thường thấy những người bị chứng hạ đường huyết (hypoglycemie), lúc ấy tri thức của họ lơ mơ. Ngược lại người hành Thiền lượng glucose trong máu giảm nhưng họ rất tỉnh táo.

* Hành Thiền sẽ gia tăng sức chịu đựng của lớp bì phu, điều nầy được thể hiện qua các nhà sư, Ðạo sĩ Yoga ngồi Thiền ngoài trời nhiệt độ 0 độ C mà không thấy lạnh, hoặc những vị có trình độ cao có thể đi trên lửa mà không thấy nóng hay ngồi trên bàn chông mà không thấy đau.

Tóm lại Thiền giúp con người cả hai lãnh vực Tâm bệnh và Thân bệnh. Về thân bệnh như vừa đề cập về tâm bệnh thì chế ngự được ưu tư, phiền não, tâm trí an vui thanh tịnh và khi thân tâm an vui thì chúng ta sẽ minh tâm kiến tánh. Ðó là bí quyết của sự sống mà người xưa cho rằng: "Khướt bệnh diên niên, Bảo trung thủ thất"./.

-hết-