Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

NGƯỜI KHÔNG LO XA ẮT CÓ HỌA GẦN

Ngạn ngữ nói: “Người không lo xa, ắt có họa gần”. Ý nghĩa của câu nói này rất sâu. Như thế nào thì gọi là lo xa? Bạn có nghĩ đến lúc bạn già hay không, có nghĩ đến lúc bạn bệnh hay không, có nghĩ đến lúc bạn chết hay không, có nghĩ đến đời sau hay không? Nếu con người có thể nghĩ đến việc này thì mới gọi là lo xa.

Chúng ta phải hiểu rõ những vấn đề này. Chúng ta phải làm thế nào mới có cách nghĩ chính xác? Nếu như có thể dạy cho chúng ta ngay trong một đời này không già, không bệnh, không chết thì đó gọi là chánh tri chánh kiến. Không nên cho rằng tương lai chúng ta sẽ già, ta phải chuẩn bị một ít tiền, nghĩ cách để tương lai dưỡng già, “tương lai tôi phải có bệnh, cho nên cần phải có một khoảng tiền để làm phí thuốc thang; tôi còn phải chết; khi chết còn phải mai táng, v.v…”, còn phải dự bị một số việc. Cách nghĩ này không phải là “nghĩ xa lo gần”, bạn đã hoàn toàn sai rồi. Hiện tại bạn vẫn chưa già, bạn đã chuẩn bị già thì bạn sẽ già rất nhanh, vì bạn đã chuẩn bị rồi mà. Hiện tại bạn không có bị bệnh, bạn đã chuẩn bị phí thuốc thang, ở nơi đó chờ bị bệnh thì làm sao mà bạn không bệnh chứ? Thậm chí nghĩ đến tương lai khi chết, còn phải tìm một nơi phong thủy tốt, vậy thì bạn sẽ chết rất nhanh. Thảy đều sai hết!

Bạn thật sự có nghĩ đến những sự việc này thì phải mau tu học Đại thừa. Phật pháp Đại thừa Kinh Vô Lượng Thọ chính là dạy chúng ta làm thế nào không già, làm thế nào không bệnh, làm thế nào không chết, dạy chúng ta ba vấn đề lớn này. Phật pháp đích thực vì chúng ta giải quyết cứu cánh viên mãn. Vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là chết, mà là sống mà ra đi.


(Phật thuyết Vô Lượng Thọ giảng giải - tập 30 - Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng)

NHẪN

Thông thường mỗi khi có tranh chấp, nhất định là do chấp trước thành kiến của mình, tự cho mình là đúng. Nếu hai người đều cho là mình đúng nên mới có sự tranh chấp, nếu anh ấy cho là đúng, tôi không tự nghĩ mình là đúng, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Họ tranh còn tôi nhường, tranh cãi chẳng còn dấy lên. Đánh nhau thì phải do hai người đánh đấm, nếu một người đánh, một người nhường, chẳng còn đánh nhau nữa! Mắng chửi cũng vậy, hai người chửi mắng nhau thì mới ầm ĩ, một người mắng, một người nhịn thì người kia không thể tiếp tục chửi mắng nữa. Từ đây cho thấy, hai người đánh lộn hoặc chửi mắng nhau, chứng tỏ hai người ngang hàng; nếu một người cao, một người thấp sẽ chẳng thể cãi nhau được. Người ở trình độ cao hơn sẽ nhường, sẽ không tranh cãi nữa. Chỗ này chúng ta phải học hỏi, hễ học được thì trong đời này sẽ có nhiều hạnh phúc. Khi chúng ta muốn cùng người khác cãi vả, tự mình phải sanh lòng hổ thẹn. Vì sao? “Tôi cũng giống như họ vậy”, không giống nhau thì làm sao cãi vả cho được!

Vì thế, đừng cho mình là đúng, đừng nghĩ rằng mình rất tài giỏi, chớ nghĩ mình là thông minh nhất, [nếu nghĩ] như vậy sẽ dẫn đến thị phi, sẽ dính vào nhiều việc phiền phức. Giống như trong xã hội hiện thời thường nói, chúng ta phải giữ lấy náu mình(!), như vậy mới là tốt! Chớ nên tranh cãi với kẻ khác. Nhất là khi học Phật, khởi sự từ đâu? “Chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời”. Vô tranh vô cầu là buông xuống hết thảy, hết thảy đều không chấp trước, niệm Phật vãng sanh không còn chướng ngại. Niệm Phật không thể vãng sanh là vì chúng ta vẫn còn có tranh giành, chúng ta vẫn còn đòi hỏi, còn tranh còn cầu thì chính mình chịu thiệt thòi, thiệt thòi quá lớn! Không thể vãng sanh thì, vẫn phải tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi, vậy thì phiền phức to lớn hay không? Thiệt thòi quá to lớn, vì thế, trước hết phải học “vô tránh” (không tranh). Một đệ tử đức Phật là tôn giả Tu Bồ Đề đối với hết thảy người, sự, vật đều chẳng tranh giành, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường khen ngợi Ngài, Ngài đã đắc Vô Tránh Tam-muội. Thế Tôn tán thán Ngài, biểu dương Ngài là khuôn mẫu, dạy chúng ta nên học theo Ngài, dụng ý là ở chỗ này.

(trích Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật - phần 8 - lão Pháp Sư Tịnh Không giảng)

Làm Cách Nào Để Không Dùng Thuốc Trừ Sâu Mà Rau Trái Vẫn Xanh Tốt?

Chúng tôi cũng đã làm thí nghiệm mười năm, chắc cũng khoảng mười một mười hai năm. Chúng tôi trồng rau xanh, không dùng phân bón, cũng không dùng thuốc sâu. Ban đầu làm thí nghiệm, là một vị đồng tu của Malaysia trồng một vườn rau ở Cổ Tấn. Năm thứ nhất những thứ rau trồng được hết 95% bị sâu ăn, không dùng phân bón, không dùng thuốc sâu. Tuyệt đối không sát sanh, sâu ăn cũng được. Năm thứ hai trồng lại, sâu lễ phép hơn, chừa lại khoảng một nữa. Sâu ăn một nữa, lưu lại một nữa. Khi tôi đến đó tham quan, hình như là năm thứ năm, năm thứ năm hoặc là năm thứ sáu. Khi tôi đến tham quan họ nói, hiện nay rau bị sâu ăn là 5%, 95% để lại cho chúng tôi, khó được! Quý vị không sát hại chúng, chúng không hại quý vị.

Năm 2000 tôi đến Úc Châu, Úc châu đất rộng người ít, đất đai rất rẻ. Tôi ở nông thôn, cách thành phố khoảng 15 phút đi xe, ở nông thôn. Tôi mua luôn hai miếng đất bên cạnh, nên vườn rất rộng, tất cả có 28 mẫu anh. Một mẫu anh bằng sáu mẫu của TQ, tất cả có khoảng hơn 170 mẫu TQ, chúng tôi khai thác nó làm vườn rau.

Lần này chúng tôi trồng rau đã thương lượng với sâu bọ, chúng tôi vạch ra một khu nói với sâu bọ: Khu vực này là để dành cho quý vị, chúng tôi cũng dùng tâm để chăm sóc nó. Sâu bọ cũng rất biết nghe lời, chúng chỉ ăn ở khu vực này, rau bên kia cách một bờ ruộng chúng không hề động đến, rất hay! Chúng tôi đặt máy niệm Phật trong vườn rau, nên rau xanh đều nghe danh hiệu Phật A Di Đà mà sanh trưởng, rau mọc rất xanh tươi. Những người chuyên trồng rau đến tham quan đều khâm phục, hỏi chúng tôi: Quý vị trồng như thế nào? Trồng cách nào mà rau xanh tươi thế! Không có thuốc, cũng không có phân bón.

Vườn rất rộng nên chúng tôi cũng trồng cây ăn trái, trồng hơn 30 loại cây ăn trái. Chúng tôi cũng ra điều kiện với loài chim, chỉ định mấy cây, trái cây ở những cây đó quý vị có thể ăn, không chỉ định quý vị tuyệt đối không được động đến. Rất hợp tác! Sâu bọ và chim chóc cũng rất ngoan, khó tiếp xúc nhất là người, người rất ngoan cố. Đến sau cùng thì sâu bọ chim chóc, đến kiến gián đều biết nghe lời, chúng tôi sống với chúng rất hòa hợp, cùng nhau sinh tồn, không tổn thương lẫn nhau. Quý vị xem thời gian mười năm, đây không phải ngẫu nhiên, thời gian dài như vậy. Về sau khắp nơi chúng tôi đều dùng phương pháp này.

Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Lão pháp sư Tịnh Không

VỢ CHỒNG CON KHÔNG HÒA THUẬN, MẸ CHỒNG VỚI CON BẤT HÒA, CHỊ EM DÂU BẤT HÒA, CON SỐNG KHÔNG NỔI NỮA, CON MUỐN LY HÔN CÓ ĐƯỢC KHÔNG? COI THƯỜNG VIỆC LY HÔN THÌ HAI VỢ CHỒNG CÙNG ĐỌA ĐIẠ NGỤC.

Vợ chồng tại vì sao không hòa? Tỉ lệ ly hôn vì sao mà nhiều như vậy? Bạn chỉ cần xem tỉ suất ly hôn của xã hội nào nhiều, thì quốc gia đó sắp phải suy vong. Cũng giống như xem một người, trên thân của người này có rất nhiều tế bào bị hỏng thì con người này sắp phải chết. Nếu tỷ suất ly hôn của xã hội vượt quá 50% thì nguy cơ sẽ không nghi ngờ,người xưa chúng ta nói: “Nhà không ra nhà, nước không ra nước”. Đây không phải là chuyện đùa, không phải là chuyện hài kịch.

Do đây có thể biết, vợ chồng xem thường việc ly hôn thì hai người đều sẽ đọa địa ngục. Đây là phán đoán của tôi. Vì sao vậy? Họ nguy hại xã hội, nguy hại hòa bình thế giới, cái tội này nặng cỡ nào. Đây là thật, không phải là giả. Nếu như muốn ly hôn, ly hôn thì không bằng không kết hôn.

Trước khi bạn kết hôn, tôi thường nói, hai bên đều xem thấy chỗ tốt của đối phương, cảm thấy rất đáng yêu, nhưng sau khi vừa kết hôn xong, đôi bên đều xem thấy khuyết điểm của nhau. Vậy thì phiền phức lớn rồi, chính là ở khoảng một niệm này.

Cho nên, Phật Bồ Tát dạy chúng ta “vĩnh viễn ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”. Nếu bạn có thể ghi nhớ câu này, vợ chồng các vị sẽ hảo hợp bách niên giai lão. Vì sao vậy? Chỉ xem chỗ tốt của đối phương, không xem khuyết điểm của đối phương, vậy thì hết việc rồi.Chính ngay ở khoảng một niệm này. Một niệm này giác ngộ thì vĩnh viễn hảo hợp dài lâu. Thường xuyên nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì có việc gì xảy ra? Một niệm này không chuyển đổi lại, họ là mê hoặc điên đảo. Trên Kinh Phật nói mê, mê ở chỗ nào vậy? Điên đảo ở chỗ nào vậy? Bạn phải biết điên đảo ở chỗ nào, mê ở chỗ nào.Vợ chồng là một quan hệ rất mật thiết.

Mở rộng đến gia đình, vì sao ở trong nhà này, rõ ràng nhất là mẹ chồng nàng dâu bất hòa, chị em dâu bất hòa, nguyên nhân này do đâu? Đều là một đạo lý: “Chuyên xem khuyết điểm của người khác, không xem ưu điểm của người khác”, cho nên họ mới bất hòa.

Mở rộng ra đến bạn bè, người thân của bạn, đồng học đồng sự của bạn, nếu như đều có thể tuân thủ giáo huấn của Phật, bạn nghĩ xem,thế giới này mỹ hảo cỡ nào! Việc này không phải là làm không được.Cư sĩ Hứa Triết đã làm được rồi.

Bạn thấy, cụ Hứa Triết ở nơi đây nói với chúng ta, ngay trong đời của bà, tuy đã một trăm tuổi rồi nhưng không hề ghét bỏ bất cứ người nào; bà thấy người đều là người tốt, việc đều là việc tốt. Hôm đó, cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Nếu như bà xem thấy có người ác, có việc không tốt, thì bà có cách nhìn thế nào?”. Bà nói: “Tôi thấy người ác, việc xấu cũng giống như đi ở trên đường vậy, xem thấy người đi qua đi lại vậy, không nhớ một người nào, không hề để trong lòng”. Thí dụ này hay. Mỗi ngày các vị đi lại ở trên đường, người đi qua đi lại trên đường bạn có nhớ ai không? Họ ở bên cạnh nói chuyện, bạn cũng nghe không được, bạn ghi nhớ được câu nói nào không? Một câu cũng không ghi nhớ. Thí dụ này vô cùng hay, chính là ác tâm, ác ngôn, ác hạnh của mọi người thảy đều không nên để ở trong tâm, không hề có việc gì, cho nên tâm của bạn thật thanh tịnh, tâm của bạn thật lương thiện.

Tâm thanh tịnh, tâm lương thiện là bổn tánh của bạn, là Phật tâm, vậy bạn làm sao mà không thành Phật được? Vì sao chính mình lại muốn làm hại chính mình? Đem cái tốt sở trường của người ta quên hết sạch trơn, chuyên môn ghi nhớ chỗ xấu của người, chuyên môn xem thấy ác niệm ác hạnh của người khác, biến mình thành cả một thân tội ác, nuôi thành ác tâm của chính mình. Then chốt đều ở ngay khoảng một niệm này.

Trích Kinh Vô Lượng Thọ Giảng Giải - Tập 180.
Pháp Sư: HT. Tịnh Không.
A DI ĐÀ PHẬT_()_

VẪN CÒN TÂM THAM THÌ TÂM BỒ ĐỀ KHÔNG CÓ

Phạm vi của tham cầu thật là quá rộng. Nói tóm lại, khởi tâm động niệm có vì bản thân thì trong đây liền có tham cầu. Cho nên tham cầu đã hàm chứa tất cả ác nghiệp, nó là gốc rễ của tất cả ác nghiệp, căn nguyên là ở chỗ này. Đầu tiên Phật dạy chúng ta xa lìa tâm tham, không có tâm tham cầu mà hành bố thí. Đây là chư Phật Bồ-tát làm, một mảy may tâm tham cầu cũng không có, niệm niệm vì chúng sanh, nhất định không phải vì mình. Nếu có một mảy may tâm tham cầu thì chắc chắn không sanh trí tuệ. Phiền não đoạn sạch mới sanh trí tuệ. Có tâm tham cầu thì dù có học nhiều đi nữa, nhà Phật nói là “Thế trí biện thông”, người này không sanh trí tuệ. Trí tuệ là từ trong tâm thanh tịnh sinh ra. Ở trong tâm thanh tịnh hoàn toàn không có tham sân si mạn. Chúng ta cầu trí tuệ thì phải biết, nếu chúng ta không xả, thì tâm thanh tịnh nhất định không có được. Không có tâm thanh tịnh thì bạn không có tâm bình đẳng, cũng không có tâm từ bi. Nhà Phật nói những danh từ này, danh từ nghe hay, bạn có thể luôn tụng ở cửa miệng, nhưng cảnh giới của bạn nhất định là cảnh giới phàm phu, bạn nhất định không thể khế nhập, hay nói cách khác, bạn giúp đỡ người khác có hạn.

Tại sao vậy? Vì giúp bản thân mình còn giúp không nổi, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Tại sao niệm Phật cũng không thể vãng sanh vậy? Vì bạn chưa có phát Bồ-đề tâm. Các bạn đã xem trong Phẩm Tam Bối Vãng Sanh: “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Tâm Bồ-đề là không có tham sân si. Có một mảy may ý niệm tham sân si là không phải tâm Bồ-đề, bạn vẫn là tâm luân hồi, bạn vẫn là tâm phàm phu. Tâm luân hồi thì tạo nghiệp luân hồi. Tâm luân hồi tu tích tất cả thiện pháp, thì ở trong tam giới lục đạo hưởng phước, phước báo đó thật sự là trên thì làm vua trời, dưới thì làm người quyền quý nhân gian, bạn chỉ có thể được quả báo này. Chúng ta huân tu Phật pháp đã lâu, hiểu rất rõ chân tướng sự thật này, trong tam giới cho dù làm đến Ma-hê-thủ-la thiên vương vẫn chưa thể thoát khỏi luân hồi, hay nói cách khác, đây không phải biện pháp cứu cánh. Cái thù thắng của Phật pháp chính là cứu cánh viên mãn. Phật Đà chỉ có thể chỉ dạy chúng ta, chứ không có cách gì tu hành thay cho chúng ta được. Phật Đà gia bị cho chúng sanh, bảo hộ chúng sanh chính là ở dạy học.

(trích Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh - tập 43 - Pháp sư Tịnh Không giảng)

KHÔNG THẤY LỖI THẾ GIAN

Đến khi nào chúng ta “không thấy lỗi thế gian”. Thế gian là tất cả người, sự và vật. Người là thế gian hữu tình của chúng ta, là hoàn cảnh đời sống nhân sự của chúng ta. Sự và vật là hoàn cảnh vật chất. Ở trong tất cả hoàn cảnh này, chúng ta không nhìn thấy ác, chỉ thấy thiện chứ không thấy ác, đó chính là Đại sư Huệ Năng nói: “Nếu người chân thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian”. Ở trong tâm vẫn còn thị phi nhân ngã, đây không phải người chân thật tu đạo. Thị phi nhân ngã từ đâu mà có vậy? Là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Phật thường hay dạy chúng ta, người chân chánh tu đạo phải buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông xả rồi, chính là trong kinh A Di Đà nói: “Nhất tâm bất loạn”, nhất tâm bất loạn này mới có thể hiện tiền, công phu niệm Phật mới có thể thành tựu, chắc chắn vãng sanh bất thối thành Phật. Từ đó cho thấy, chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vẫn còn thị phi nhân ngã, phải biết đây là chướng ngại trên đường Bồ-đề của mình.

Quí vị nghe xong những lời này, có lẽ lại phát sinh vấn đề ngay. Thế gian thật sự có rất nhiều người ác, thật sự gây phiền phức, chúng ta gặp họ thì phải làm sao? Chúng ta chỉ thấy họ thiện, họ thấy ta bất thiện, ta không trêu chọc họ, họ đến kiếm chuyện với ta, nếu chúng ta rơi vào trong hoàn cảnh này thì phải làm sao? Phật dạy chúng ta đoạn phiền não, khai trí tuệ. Thế nào là đoạn phiền não vậy? Phần trước nói, thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp thì phiền não sẽ đoạn hết thôi. Phiền não đoạn hết thì trí tuệ hiện tiền. Ở trong hoàn cảnh đời sống, bạn có trí tuệ cao độ, bạn có nghệ thuật cao độ tự nhiên bạn có thể tránh khỏi. Mặc dù có đủ thứ chướng nạn nhưng trên thực tế không thể chướng ngại được bạn, cũng không thể hại được bạn. Ở trong tất cả thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên, bạn chắc chắn được pháp hỷ sung mãn, bạn có trí tuệ có thể ứng phó, chắc chắn là đôi bên cùng có lợi, tuyệt đối không phải là tổn người lợi mình, không có đạo lý này. Đây chính là Phật pháp.

 (trích Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh - tập 15 của Pháp sư Tịnh Không)