Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

PHÁP NIỆM PHẬT MƯỜI CÂU


Pháp mười niệm này của tôi chính là mười câu A Di Đà Phật. Nếu như bạn niệm bốn chữ “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, niệm ra mười câu, đại khái một phút thì được rồi. Tuy là thời gian ngắn như vậy, chỉ có mười câu, nhưng phù hợp tiêu chuẩn trên “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói là “một lòng xưng niệm”, “một lòng chuyên niệm”. Trong mười câu Phật hiệu này là bạn một lòng niệm, quyết định không có vọng niệm xen tạp ở trong, chân thật làm được “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, hoàn toàn phù hợp với Bồ Tát Đại Thế Chí dạy cho chúng ta: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Đó là công đức chân thật. Cho nên, không nên nghĩ thời gian quá ngắn, đây là công đức chân thật. Một ngày có được một niệm tương ưng như vậy, đương nhiên số lần niệm càng nhiều càng tốt, cho nên chúng ta liền nghĩ đến một ngày phải nên niệm chín lần. Chín lần niệm thế nào vậy?

- Khi sáng sớm thức dậy, niệm một lần. Đây được xem là thời khóa sớm. Thời gian một phút thì được rồi. Có tượng Phật thì đối mặt với tượng Phật, không có tượng Phật thì hướng về phía tây.
 

- Một ngày ăn cơm ba bữa, trước khi ăn cơm chắp tay niệm mười câu A Di Đà Phật. Cho nên chúng ta không niệm chú cúng dường, chúng ta chắp tay niệm mười danh hiệu A Di Đà Phật, một lòng xưng niệm, vậy thì được thêm ba lần rồi.
 

- Buổi sáng bạn đi làm việc, trước khi làm việc niệm qua một lần. Làm việc xong thì niệm một lần. Buổi sáng và buổi chiều là bốn lần.
 

- Buổi tối trước khi đi ngủ niệm một lần.

Tổng cộng là chín lần. Chín lần này là định khóa của chúng ta. Mỗi một lần chỉ cần một phút. Ngoài ra, có thời gian thì bạn có thể niệm nhiều càng tốt. Phương pháp này rất có hiệu quả, lại không chướng ngại bạn làm việc, đích thực là tiện lợi đến cùng cực.
 

Làm thế nào niệm được chân thật có hiệu quả, nắm chắc được phần vãng sanh? Phải xem bình thường công phu buông bỏ, nhìn thấu của bạn. Buông bỏ, nhìn thấu là giác ngộ, bạn thông suốt đối với tất cả pháp thế xuất thế gian. Thông suốt chính là nhìn thấu, không còn chấp trước chính là buông bỏ. Bạn có thể chân thật làm đến được tùy duyên, tùy duyên chính là buông bỏ, phan duyên là chấp trước, tùy duyên mà không phan duyên. Tuyệt nhiên không phải dạy chúng ta đem công việc đáng phải làm cũng bỏ không làm, vậy thì sai rồi. Tùy duyên chính là tùy thuận cơ duyên, chúng ta phải nên làm. 

(Phật Thuyết Vô Lượng Thọ giảng giải tập 50)