Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

TẠNG THƯ SỐNG CHẾT - PHẦN 1

 The Tibetan Book Of Living And Dying Sogyal Rinpoche 

Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch 

Nhà xuất bản Thanh Văn Hoa Kỳ 1992 và Nhà xuất bản Xuân Thu Hoa Kỳ 1996 1 

---o0o--- 

Nguồn http://thuvienhoasen.org 

Chuyển sang ebook 27-7-2009 

Người thực hiện : Nam Thiên – namthien@gmail.com 

---o0o--- 

PHẦN MỘT: SỐNG

1. TRONG TẤM GƯƠNG CỦA CÁI CHẾT 

    Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về sự chết xảy đến vào lúc tôi khoảng chừng bảy tuổi. Chúng tôi đang chuẩn bị rời vùng cao nguyên miền đông để du hành đến vùng trung tâm của Tây Tạng. Samten, một trong những thị giả của thầy tôi, là một thầy tu kỳ diệu rất tử tế đối với tôi lúc tôi còn bé. Ông có gương mặt sáng tròn mủm mĩm luôn sẵn sàng nở nụ cười. Ông được mọi người trong tu viện yêu mến vì tính tình ông thật tốt. Hàng ngày thầy tôi thường giảng dạy, làm phép quán đảnh, dẫn đầu những buổi lễ hay những thời khóa tu tập. Đến cuối ngày, tôi thường họp chúng bạn để đóng tuồng, diễn lại những công việc làm trong ngày, Thầy Samten luôn luôn cho tôi mượn tạm những bộ y phục mà thầy tôi đã mặc hồi sáng. Thầy chả bao giờ từ chối tôi việc gì.

     Rồi bỗng Samten ngã bệnh, và điều rõ rệt là thầy sẽ không sống được nữa. Chúng tôi phải trì hoãn cuộc hành trình. Tôi không bao giờ quên được hai tuần lễ kế tiếp. Mùi hôi thối của chết chóc đang lơ lửng như đám mây phủ trên mọi sự. Mỗi khi tôi nhớ về khoảng thời gian ấy, thì cái mùi đó lại trở lại trong tôi. Tu viện ngập tràn một ý thức mãnh liệt về cái chết. Tuy vậy, điều này tuyệt nhiên không có gì ghê gớm hãi hùng; vì với sự hiện diện của thầy tôi, cái chết của thầySamten mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó trở thành một bài học cho tất cả chúng tôi.

    Thầy Samten nằm trên chiếc gường cạnh cửa sổ trong một điện thờ nhỏ tại tư dinh của thầy tôi. Tôi biết thầy đang từ từ chết. Thỉnh thoảng tôi đi vào phòng, ngồi bên thầy. Thầy không nói được nữa, và tôi kinh ngạc trước sự đổi thay của gương mặt thầy, bây giờ đã xệ xuống trông thật hốc hác. Tôi nhận ra rằng thầy sắp từ giã chúng tôi, và chúng tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại thầy. Tôi cảm thấy vô cùng buồn bã cô đơn. 

    Samten không chết dễ dàng cho lắm. Hơi thở khó khăn nặng nhọc của thầy luôn ám ảnh chúng tôi, và chúng tôi có thể ngửi thấy cả cái mùi thân xác thầy đang tàn tạ. Tu viện hoàn toàn im lặng, không một tiếng động ngoại trừ tiếng hơi thở của thầy. Mọi sự đều tập trung vào thầy Samten. Nhưng, dù cơn hấp hối kéo dài của Samten thật đau đớn, chúng tôi vẫn thấy được rằng, tự trong thẳm sâu của con người thầy, đang có một niềm bình an và tin tưởng. Lúc đầu tôi không thể giải thích được điều này, nhưng rồi tôi hiểu tại sao. Đó là nhờ ở đức tin của thầy, công phu tu tập của thầy, và sự hiện diện của thầy chúng tôi. Mặc dù buồn bã, tôi cũng biết rằng khi có thầy tôi đó thì mọi sự sẽ yên ổn, vì thầy sẽ giúp cho thầy Samten đạt giải thoát. Về sau tôi được biết rằng, bất cứ hành giả mật tông nào cũng đều mơ ước được chết trước thầy mình, và có cái diễm phúc được thầy tiếp dẫn trong lúc chết.

    Trong lúc thầy tôi bình tĩnh hướng dẫn thầy Samten trải qua cái chết, ngài chỉ cho thầy biết từng giai đoạn một của tiến trình chết mà thầy sẽ gặp. Tôi rất ngạc nhiên trước sự hiểu biết rõ ràng minh bạch của thầy tôi, trước vẻ tin tưởng và bình an nơi ngài. Khi có sự hiện diện của thầy tôi, người cả lo nhất cũng phải an tâm. Bây giờ Jamyang Khientse đang chứng tỏ cho chúng tôi thấy đức vô úy ngài đối với sự chết. Không phải ngài coi thường nó: Ngài thường bảo chúng tôi rằng ngài sợ nó, và cảnh cáo chúng tôi đừng có ngây ngô tưởng chết là dễ. Nhưng cái gì đã khiến thầy tôi đối diện cái chết với thái độ nhẹ nhàng lãnh đạm, thực tiễn mà lại thoải mái lạ lùng như thế? Câu hỏi ấy đã thâm nhập trong đầu tôi, làm tôi đầy kinh ngạc. 

    Cái chết của Samten đã làm tôi chấn động. Thế là mới bảy tuổi đầu, tôi đã thoáng thấy năng lực rộng lớn của truyền thống tôn giáo trong đó tôi dự phần, và tôi chợt hiểu được mục đích của sự tu hành. Nhờ tu hành, mà Samten đã chấp nhận được cái chết cũng như hiểu rõ rằng nỗi đau đớn có thể là một phần của quá trình thanh luyện rất tự nhiên và sâu xa. Nhờ tu hành, mà thầy tôi đã có một hiểu biết trọn vẹn về sự chết, và một kỹ thuật minh bạch để hướng dẫn người khác đi vào cõi chết. 

    Sau khi thầy Samten chết, chúng tôi khởi hành đi Lhasa, thủ đô Tây Tạng. Đấy là một cuộc hành trình gian nan suốt ba tháng trên lưng ngựa. Từ đấy chúng tôi tiếp tục cuộc hành hương đến những thánh tích ở trung ương và miền nam Tây Tạng, những di tích của các bậc thánh, vua chúa và học giả đã có công du nhập đạo Phật vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ bảy trở đi. Thầy tôi là hiện thân của nhiều bậc thầy thuộc đủ mọi truyền thống, và vì thầy nổi tiếng như thế nên chúng tôi đi đến đâu cũng được đón tiếp rất rộn ràng. 

    Đối với tôi, cuộc hành trình ấy rất hấp dẫn và đã để lại trong tôi nhiều hoài niệm tốt đẹp. Người Tây Tạng quen dậy sớm để sử dụng tối đa ánh sáng thiên nhiên. Chúng tôi đi ngủ vào lúc trời sập tối và thức dậy trước bình minh, và khi tia sáng đầu tiên vừa ló dạng thì những con trâu yaks chở hành lý đã bắt đầu di chuyển. Những lều trại được nhổ lên, căn lều của thầy tôi nhổ sau chót. Một thanh niên sẽ đi trước để chọn chỗ tốt cho việc cắm lều trại, nơi chúng tôi sẽ dừng khoảng giữa trưa để nghỉ ngơi đến hết ngày. Tôi thường thích cắm trại cạnh một con sông để nghe tiếng nước chảy, hoặc để ngồi trong lều mà nghe mưa tí tách trên mái. 

    Đoàn người chúng tôi có tất cả khoảng chừng ba mươi căn lều. Suốt ngày tôi cỡi một con ngựa màu vàng bên cạnh thầy tôi. Trong khi chúng tôi cỡi ngựa, thầy tôi giảng dạy cho tôi, kể chuyện, niệm chú, và đặt ra một số phương pháp cho tôi thực hành giáo lý. Một ngày kia, khi chúng tôi tiến gần đến hồ thiêngYamdrok và thoáng thấy bóng mặt nước ngời sáng như xa cừ của nó, thì một vị Lạt ma trong đoàn lữ hành, Lạt ma Tseten, bắt đầu chết.  

    Cái chết của Tseten là một bài học sống động khác nữa đối với tôi. Ông là thầy của bà vợ tâm linh của thầy tôi, Khandro Tsering Chodron, hiện nay vẫn còn. Bà được xem như nữ hành giả mật tông xuất sắc nhất của Tây Tạng, một bậc thầy mai danh ẩn tích mà đối với tôi là một hiện thân của đức hy sinh tận tụy. Nội một sự hiện diện đầy trìu mến của bà cũng đủ dạy cho tôi rất nhiều. Lama Tseten là người có lòng nhân ái vô biên, Ông tuổi ngoại lục trần, khổ người khá cao và tóc đã hoa râm. Ông tỏa ra một sự dễ thương không chút nào gắng gượng. Ông cũng là một thiền giả tu chứng cao, chỉ cần ở cạnh ông cũng đủ đem lại cho tôi một cảm giác thanh bình và trong sáng. Một đôi khi ông rầy la tôi, và tôi cũng khá sợ hãi; nhưng mặc dù thỉnh thoảng ông có hơi nghiêm khắc, ông vẫn luôn luôn đầy tính nhân hậu.

    Lama Tseten chết một cách phi phàm. Mặc dù có một tu viện gần đấy, ông không chịu đến, bảo rằng ông không muốn để lại cho người ta một cái xác phải thu dọn. Bởi thế chúng tôi dựng lều trại thành vòng tròn như thường lệ. Khandro săn sóc đều dưỡng cho Lama Tseten, thầy giáo đạo của bà. Chúng tôi là hai người duy nhất có mặt trong lều của ông, khi ông cất tiếng gọi. Ông thường gọi là Khandro là “a-mi” tiếng nói địa phương ông, có nghĩa là “con ta”. 

    - Này con, hãy lại đây. Nó đang đến. Ta không còn gì để khuyên bảo con thêm nữa. Con rất tốt, ta lấy làm sung sướng vì con. Hãy phụng sự bậc thầy của con như bấy lâu con đã làm. 

    Lập tức bà khởi sự chạy ra khỏi lều, nhưng ông đã nắm lấy tay áo bà lại. 

    - Con đi đâu thế? 

     Bà trả lời: 

    - Con sẽ đi gọi Rinpoche

    Ông mỉm cười: 

    - Chớ làm phiền ông ta, không cần thiết. Đối với bậc thầy, vốn không bao giờ có khoảng cách nào giữa chúng ta. 

    Với những lời lẽ ấy, ông đưa mắt nhìn lên trời rồi chết. Khandro thoát được khỏi tay ông và chạy vội ra để gọi thầy tôi. Tôi ngồi yên bất động tại chỗ, kinh ngạc khi thấy một người nhìn thẳng mặt cái chết với thái độ bình thản như vậy. Lama Tseten đáng lẽ có thể nhờ thầy mình thân hành đến giúp - một điều mà bất cứ người nào khác đều mong mỏi – nhưng ông ta lại không cần. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao: Tại vì ông đã trực nhận sự hiện diện của bậc thầy ở trong tâm mình.Jamyang Khientse vẫn luôn luôn ở bên ông, trong đầu óc và trái tim của ông; ông không bao giờ cảm thấy có sự ngăn cách nào cả.

    Khandro đã đi mời thầy tôi, Jamyang Khientse. Tôi không sao quên được cái lúc ông khom lưng để bước vào căn lều. Ông đưa mắt nhìn vào mặt củaLama Tseten rồi nhìn sâu vào đôi mắt, và khởi sự cười khúc khích. Ông thường gọi Lama Tseten là “La Ghen”, vị lạt ma già, một cách gọi âu yếm của ông. Ông bảo: 

    - La Ghen, đừng có ở trong trạng thái đó. 

    Bây giờ tôi hiểu rằng, lúc đó thầy tôi đã thấy Lama Tseten đang nhập vào một thứ định trong đó hành giả tan hòa bản chất của tâm mình với không gian của chân lý. 

    - Ông biết chứ, La-Ghen, nếu ông nhập định này, thì một đôi khi có vài chướng ngại vi tế có thể phát sinh. Nào, ta sẽ hướng dẫn ông. 

    Sửng sốt, tôi ngắm nhìn những gì xảy ra kế tiếp, và nếu không phải chính mắt tôi trông thấy thì tôi sẽ không bao giờ tin được. Lama Tseten sống lại. Rồi thầy tôi ngồi một bên ông ta, hướng dẫn thần thức ông đi vào cõi chết. Có nhiều cách làm việc này, và cách mà thầy tôi đang sử dụng lúc đó kết thúc với ba lần thầy thốt lên âm “A”. Khi thầy tôi thốt tiếng “A” đầu tiên, chúng tôi có thể nghe Lama Tseten nói theo khá rõ. Lần thứ hai, giọng ông không rõ nữa, và lần thứ ba thì hoàn toàn im lặng: Ông đã chết. 

    Cái chết của Samten đã dạy cho tôi mục đích của sự tu hành, cái chết của Lama Tseten cho tôi thấy rằng những hành giả thuộc tầm cỡ như ông lúc sinh thời vẫn ẩn giấu những khả năng kỳ diệu của mình, và đôi khi chỉ bày tỏ chúng một lần mà thôi, vào lúc chết. Mặc dù còn bé xíu, tôi cũng đã hiểu rằng có một sự khác nhau rõ rệt giữa cái chết của Samten và của Lama Tseten, đó là sự khác nhau giữa cái chết của một thầy tu tử tế có hành trì lúc sinh thời, và cái chết của một hành giả có nội chứng tâm linh sâu xa hơn nhiều. Samten chết một cái chết bình thường và chết trong đau đớn, nhưng với sự bình an của đức tin; còn cái chết của Lama Tseten là một sự thi triển thần thông của sự làm chủ tâm ý. 

    Ngay sau tang lễ Lama Tseten, chúng tôi di chuyển lên tu viện Yamdrok. Như lệ thường, tôi ngủ cạnh thầy tôi trong phòng ông, và tôi còn nhớ đêm ấy tôi đang ngắm những cái bóng của những ngọn đèn thắp bằng bơ nhảy múa trên vách tường. Trong lúc mọi người ngủ say, tôi đã nằm thức và khóc suốt đêm trường. Điều ấy tôi hiểu rằng cái chết là một sự thật, và cả tôi nữa cũng sẽ phải chết. Khi tôi nằm đấy suy nghĩ về sự chết và về cái chết của chính tôi, qua tất cả nỗi đau buồn đó, trong tôi một ý thức sâu xa dần dần ló dạng, đó là ý thức rằng “mình phải chấp nhận nó”. Và với ý thức ấy, tôi quyết định cống hiến cuộc đời mình cho sự tu tập tâm linh.

    Thế là tôi đã khởi sự giáp mặt cái chết và những hàm ẩn của nó khi tuổi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi không bào giờ tưởng tượng được rằng ta phải trải qua biết bao nhiêu là cái chết dồn dập, hết cái chết này tới cái chết khác. Cái chết mất nước Tây Tạng sau khi Trung quốc xâm chiếm. Cái chết lưu đày. Cái chết mất mọi thứ mà gia đình tôi và tôi đã sở hữu. Gia đình tôi, Lakar Tsang, đã từng là một trong những nhà giàu nhất xứ Tây Tạng. Từ thế kỷ thứ mười bốn, gia đình tôi đã nổi tiếng là một trong những thí chủ quan trọng nhất của Phật giáo, bằng cách hỗ trợ sự hoằng dương chánh pháp và giúp các bậc thầy vĩ đại trong những công trình của họ.

     Nhưng cái chết tàn phá tôi hơn tất cả thì chưa xảy tới, đó là cái chết của thầy tôi, Jamyang Khientse. Khi ngài mất, tôi cảm như nền móng cuộc đời tôi đã sụp đổ. Đấy là vào năm 1959, năm mà nước Tây Tạng sụp đổ. Đối với người Tây Tạng, cái chết của thầy tôi là một số ác liệt thứ hai, và đối với xứ Tây Tạng, cái chết ấy đánh dấu sự cáo chung của một thời đại. 

---o0o--- 

2. VÔ THƯỜNG

     Không một nơi nào trên thế giới mà thần chết không thể tìm được chúng ta – dù chúng ta có xoay đầu mọi phía để tránh né. Nếu có một cách nào để tránh được vố đánh của tử thần, thì tôi cũng không tránh làm gì... Nhưng thật điên rồ nếu nghĩ rằng bạn có thể thành công...

    Con người đến rồi đi, tung tăng múa nhảy mà không hề đả động đến cái chết. Mọi sự đều êm xuôi tốt đẹp. Nhưng khi cái chết xảy đến – cho chính họ, vợ con bè bạn họ – trong lúc bất ngờ không chuẩn bị, thì ôi chao là họ đấm ngực khóc than, phẫn nộ, tuyệt vọng xiết bao!

    Để khởi sự tước đoạt thế thượng phong của thần chết, chúng ta hãy áp dụng một đường lối hoàn toàn ngược lại với thế thường; ta hãy coi cái chết như pha không có gì lạ lùng cả, ta hãy thường lui tới với nó, quen thuộc với nó; ta hãy để tâm thường xuyên nghĩ tới cái chết hơn bất cứ cái gì khác... Ta không biết chừng nào thì cái chết chực sẵn để đón ta: Vậy ta hãy chực sẵn để đón nó ở khắp mọi nơi. Tập chết chính là tập giải thoát tự do. Một người biết cách làm thế nào để chết thì hết biết làm nô lệ.

MONTAIGNE

---o0o--- 

    Tại sao thật quá khó để tập chết, tập giải thoát tự do? Tại sao ta lại sợ chết đến thế, và hoàn toàn tránh nhìn thẳng vào nó? Tận tâm khảm, đôi lúc ta cũng biết rằng ra không thể mãi mãi tránh đối mặt với nó. Milarepa nói rằng:  

    - Cái vật gọi là thây chết mà ta chúa sợ này, hiện đang sống với ta ở đây. 

    Càng chậm trễ đối diện với cái chết, ta càng xa lạ với nó, và nỗi sợ hãi bất an ám ảnh ta càng thêm lớn. Ta càng cố chạy trốn nỗi sợ hãi ấy, thì nỗi sợ hãi càng thêm ác liệt.

    Chết là một huyền bí lớn rộng, nhưng có hai điều ta có thể nói về nó: Điều tuyệt đối chắc chắn là ta sẽ chết, và ta không chắc khi nào hoặc bằng cách nào ta sẽ chết. Vậy, sự bảo đảm duy nhất mà ta có được, đó là giờ chết bất định, và ta bám lấy nó làm cái cớ để khỏi trực tiếp giáp mặt cái chết. Chúng ta như những đứa trẻ tự bịt mắt mình trong trò chơi trốn bắt và tưởng không ai thấy được chúng.  

    Tại sao ta lại sống trong nỗi kinh sợ cái chết đến thế? Bởi vì ước muốn theo bản năng của ta là được sống và tiếp tục sống. Chết là một chấm dứt tàn bạo của mọi sự mà ta xem là quen thuộc. Ta cảm thấy khi cái chết đến, ta sẽ rơi vào một cái gì hoàn toàn xa lạ, hoặc trở thành một người nào hoàn toàn khác hẳn. Ta tưởng mình sẽ lạc lõng chơi vơi giữa một khung cảnh lạ lùng kinh khủng. Ta tưởng nó sẽ như lúc ta thức dậy một mình ở nơi xứ lạ, hoàn toàn xao xuyến lo âu vì không biết ngôn ngữ, không biết đấy là đâu, không tiền, không có giấy thông hành, không bè bạn... 

    Có lẽ lý do sâu xa nhất tại sao ta sợ chết, là vì ta không biết ta là ai. Ta tin tưởng vào một cái thể riêng biệt, tách rời, độc nhất vô nhị; song nếu dám xét kỹ nó, ta sẽ thấy cá thể ấy hoàn toàn tùy thuộc vào một tập hợp bất tận gần đủ thứ để phát sinh ra nó: Tên họ ta, “tiểu sử” ta, vợ hay chồng, gia đình, tổ ấm, công việc, bè bạn, phiếu nợ... Chính trên những chống đỡ mong manh tạm bợ ấy, ta đã nương tựa để có được an ninh bảo đảm. Cho nên khi những thứ ấy đều bị tước khỏi ta, thì ta còn có ý niệm gì về cái tôi thực sự là ai không?

    Nếu không có những cây chống quen thuộc của ta, thì ta bị đối diện với chính mình, một con người ta không quen biết, một kẻ lạ gây rối luôn luôn sống chung với ta mà ta không bao giờ thực sự muốn giáp mặt. Có phải đó là lý do ta cố lấp đầy mọi giờ phút bằng hoạt động náo nhiệt, dù tầm thường đáng chán cách mấy cũng xong, miễn là khỏi phải bao giờ bị bỏ lại một mình trong im lặng với kẻ lạ ấy. 

    Và phải chăng điều ấy chứng tỏ có một cái gì thật bi đát trong lối sống của ta? Chúng ta sống dưới một lý lịch được gán cho mình, trong một thế giới ảo hóa không có thực tính gì hơn Con Rùa Giả trong truyện Cuộc phiêu lưu của Alice. Bị mê hoặc bởi lòng ham thích xây dựng, chúng ta đã xây những ngôi nhà cuộc đời mình ở trên cát. Thế giới này có vẻ chắc ăn một cách kỳ tuyệt cho đến lúc thần chết giật sập ảo tưởng và đuổi ta ra khỏi chỗ nấp. Vậy cái gì sẽ xảy đến cho ta nếu ta không có một cái mốc nào của thực tại sâu xa hơn, để bám víu? 

    Khi chết ta phải để lại tất cả sau lưng mình, nhất là thân xác, cái thân xác ta đã nâng niu yêu quý biết bao, đã nương tựa vào nó một cách mù quáng và cố gắng tối đa để làm cho nó sống. Nhưng tâm ta cũng không khá gì hơn thân xác để làm điểm tựa: Thử nhìn vào tâm bạn ít phút mà xem. Bạn sẽ thấy nó như một con rận luôn luôn nhảy qua nhảy lại. Bạn sẽ thấy những ý tưởng khởi nên một cách vô lối, không mạch lạc gì cả. Bị cuốn theo chiều gió bởi sự huyên náo trong mọi lúc, chúng ta chính là nạn nhân của sự bốc đồng của tâm ta. Nếu đây là cái trạng thái duy nhất của tâm mà chúng ta quen thuộc, thì sự nương tựa vào cái tâm ấy trong lúc chết quả là một canh bạc quái gở. 

---o0o--- 

ẢO TƯỞNG LỚN 

    Sự ra đời của một người cũng là ra đời nỗi khổ của y. Càng già con người càng ngớ ngẩn, vì nỗi lo sợ cái chết không thể tránh càng thêm mãnh liệt. Thực cay đắng làm sao! Y sống để đuổi theo những gì luôn luôn ở ngoài tầm tay. Lòng khao khát sống còn trong tương lai làm cho y không thể sống trong hiện tại. 

TRANG TỬ

     Sau khi thầy tôi chết, tôi được gần gũi Dudjom Rinpoche, một trong những thiền sư, hành giả mật giáo và Du già sư vĩ đại của thời cận đại. Một ngày khi thầy đang lái xe hơi xuyên nước Pháp cùng với vợ thầy, ngắm cảnh miền quê, họ đi ngang một khu nghĩa trang dài vừa mới sơn quét và trang trí hoa tươi. Bà vợ thầy nói: 

    - Rinpoche, ngài hãy xem mọi thứ ở Tây phương thật ngăn nắp sạch sẽ đến thế. Ngay tại những nơi người ta để thây chết cũng thật sạch không tì vết. Còn ở Đông phương mình, ngay nhà người ta ở cũng không đâu sạch bằng ở đây. Thầy nói: 

    - Ồ! Đúng thế; đây quả thực là một xứ văn minh. Họ có những ngôi nhà đẹp đến thế cho những xác chết. Nhưng bà không để ý sao? Họ cũng có những ngôi nhà tuyệt diệu cho những xác sống nữa chứ. 

    Mỗi khi nhớ lại câu chuyện ấy, tôi không khỏi nghĩ rằng cuộc đời thực trống rỗng vô vị làm sao, khi nó được căn cứ vào một niềm tin sai lạc về trường cửu và tương tục. Khi sống kiểu ấy thì chúng ta đã vô tình tự biến thành những cái xác sống, như thầy Dudjom Rinpoche đã nói. 

    Nhưng đấy là kiểu sống của phần đông chúng ta; chúng ta sống theo một kế hoạch đã định. Nhỏ thì được giáo dục. Lớn lên kiếm việc làm, rồi gặp một người nào đó, rồi kết hôn, rồi có con cái. Chúng ta mua một cái nhà, rán cho làm ăn trúng mánh, mơ ước có một ngôi nhà ở miền quê hoặc thêm được một chiếc xe hơn. Vào dịp nghỉ thì đi du lịch xa cùng với bạn bè. Chúng ta dự định kế hoạch cho lúc về hưu. Những vấn đề trọng đại nhất mà một vài người trong chúng ta từng gặp phải chỉ là: Không biết nên đi chơi đâu vào kỳ nghĩ tới, hoặc nên mời ai vào dịp lễ Giáng sinh. Cuộc đời ta thật đơn điệu, tầm thường, lặp đi lặp lại; ta phí cả một đời để theo đuổi những chuyện nhỏ nhen, bởi vì dường như ta không biết có cái gì hơn thế.

    Nhịp điệu đời sống chúng ta rộn ràng tới nỗi ta không có thì giờ để nghĩ đến cái chết. Ta ém nhẹm những nỗi sợ hãi thầm kín của ta về vô thường bằng cách bao vây quanh mình thêm nhiều đồ đạc, của cải, tiện nghi, chỉ để tự thấy mình biến thành tên nô lệ cho chúng. Mọi thời giờ và năng lực của ta đều kiệt quệ chỉ vì phải bảo trì những thứ ấy. Chẳng bao lâu mục đích duy nhất của ta trên đời hóa ra chỉ là giữ cho mọi thứ ta sở hữu càng được bảo đảm an ninh càng tốt. Khi có biến chuyển gì xảy đến, ta tìm cách đối phó mau lẹ nhất, một giải pháp hiệu nghiệm tạm thời. Cứ thế đời ta tiếp tục trôi giạt cho đến khi một cơn trọng bệnh hay tai nạn nào đó lay ta ra khỏi cơn mê. 

    Cũng không hẳn là ta dành nhiều thì giờ hay suy nghĩ cho cuộc đời này. Hãy nghĩ đến những người đã làm việc bao nhiêu năm rồi phải hồi hưu, để thấy không biết mình phải làm gì cả, vì họ càng ngày càng già và tiến gần cái chết. Mặc dù ta luôn luôn hô hào phải thực tế, thực tế ở Tây phương có nghĩa là thiển cận một cách vô minh và thường ích kỷ. Sự tập trung thiển cận của chúng ta vào đời này và chỉ đời này mà thôi, chính là một ảo tưởng lớn, nguồn gốc của nền duy vật đen tối và phá hoại của thế giới ngày nay. Không ai bàn tới sự chết và đời sau, vì người ta có thói tin rằng chuyện ấy chỉ làm đình trệ cái gọi là “sự tiến bộ” của ta trên thế giới.  

    Nhưng nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta quả là sống và tiếp tục sống, thì tại sao ta lại cả quyết một cách mù quáng rằng chết là hết chứ? Ít nhất cũng nên thử thám hiểm xem có thể có đời sau hay không đã chứ? Nếu quả thực chúng ta có óc thực nghiệm như ta tuyên bố, thì tại sao ta không khởi sự tự đặt câu hỏi cho mình một cách nghiêm chỉnh: “Tương lai thực sự của ta nằm ở đâu?” Chung quy, chẳng có mấy ai sống lâu trên trăm tuổi. Và sau thời gian đó là cả một thời gian vô tận trải dài, không được giải thích... 

    ---o0o--- 

SỰ LƯỜI BIẾNG NĂNG ĐỘNG 

    Có một câu chuyện cổ Tây Tạng mà tôi rất thích, gọi là “Cha của NổiTiếng-Như-Mặt-Trăng”: 

    Một người nghèo kiết xác sau khi làm lụng khá vất vả đã tích trữ được một bao lúa đầy. Anh ta lấy làm hãnh diện, treo bao lúa trên xà nhà để đề phòng chuột và kẻ trộm, rồi để chắc ăn hơn nữa, anh nằm ngay phía dưới. Khi nằm đấy anh bắt đầu suy nghĩ lan man: 

    - Nếu đem bán lẻ số lúa này, mình sẽ lời to, lấy tiền ấy mua thêm và lại bán, cứ mua đi bán lại như thế chẳng bao lâu ta sẽ giàu, sẽ thành một người quan trọng trong làng xóm. Con gái theo nườm nượp. Ta sẽ cưới một cô thật đẹp, và chẳng bao lâu ta sẽ có một đứa con... Có lẽ là một thằng con trai. Ta sẽ đặt tên nó là gì nhỉ?

    Nhìn quanh nhà, tia mắt anh gặp phải khung cửa sổ qua đó anh thấy ánh trăng đang lên. Anh nghĩ: 

    - Thật là điềm tốt! Ta đã tìm được một cái tên hay. Ta sẽ gọi thằng con đó làNổi-Tiếng-Như-Mặt-Trăng...

     Trong khi anh ta đang nghĩ vơ vẩn thì một con chuột đã trèo lên bao gạo, gặm đứt sợi dây. Vừa khi anh thốt mấy tiếng đặt tên đứa con, thì bao gạo trên xà nhà rớt trúng làm anh chết tức khắc. Dĩ nhiên là đứa con ấy không bao giờ được sinh ra. 

    Biết bao nhiêu người trong chúng ta, giống như anh chàng nọ, đã bị cuốn trôi bởi cái mà tôi đã gọi là “sự lười biếng năng động”? Dĩ nhiên có nhiều kiểu lười biếng khác nhau: Đông phương và Tây phương. Cái kiểu ở phương Đông là như kiểu thực hành thuần thục ở Ấn: Suốt ngày ngồi giữa trời không làm gì cả, tránh né mọi công việc hay hoạt động hữu ích, uống trà hết tách này tới tách khác, nghe nhạc vang lên từ một chiếc máy thu thanh và tán gẫu với bạn bè. Kiểu lười Tây phương thì khác hẳn: Độn đầy cuộc sống bằng những hoạt động hấp dẫn, sao cho không còn một chút thì giờ nào để đối phó với những vấn đề then chốt.

    Nếu nhìn vào cuộc đời mình ta sẽ thấy biết bao nhiêu công việc không quan trọng, những cái gọi là “trách nhiệm” cứ dồn dập độn đầy cuộc đời ta. Ta tự nhủ là muốn dùng thì giờ vào những chuyện quan trọng trong đời, nhưng không bao giờ có thì giờ ấy cả. Thức dậy buổi sáng là đã có bao nhiêu việc: Mở cửa sổ, làm giường, tắm, chà răng, cho chó mèo ăn, giặt đồ, khám phá đã hết cà phê hoặc đường, đi mua, làm thức ăn sáng - cả một dọc dài bất tận. Rồi lại có áo quần phải lựa ra mà ủi và xếp. Rồi còn tóc tai, trang điểm nữa thì sao? Không còn biết sao hơn, chúng ta nhìn ngày tháng đầy những cú điện thoại và chương trình, và bao nhiêu trách nhiệm – hay ta nên gọi là “vô trách nhiệm”? 

    Cuộc đời ta dường như xâm chiếm lấy ta, như có một tối hậu thư oái ăm của nó, lôi tuốt chúng ta đi, để cuối cùng ta cảm thấy mình không có quyền kiểm soát nó nữa. Dĩ nhiên thỉnh thoảng ta cũng cảm thấy khó chịu về điều này, ta chiêm bao ác mộng và thức dậy mồ hôi ướt đẫm, tự hỏi: “Ta đã làm chi đời ta?” Nhưng nỗi kinh hoàng của ta chỉ kéo dài tới bữa ăn sáng, rồi đâu vẫn hoàn đấy. 

    Tôi nghĩ đến lời một bậc thánh Ấn Độ, Ramakrishna, đã nói với môn đệ: 

    - Nếu các anh chỉ dùng một phần mười thời gian anh dành cho những môn giải trí như săn đuổi phụ nữ và làm tiền, để mà tu luyện, thì chỉ trong vòng vài năm có thể giác ngộ. 

    Có một bậc thầy Tây Tạng sống vào khoảng đầu thế kỷ, một Leonardo da Vinci của Hy Mã Lạp Sơn, tên là Mipham. Tương truyền ông ta đã sáng chế một cái đồng hồ treo, một khẩu đại bác, và một chiếc phi cơ. Nhưng mỗi khi làm xong một thứ, ông lại phá hủy ngay, bảo rằng nó chỉ tổ gây thêm trò giải trí.

    Tạng ngữ chỉ thân xác là lu, có nghĩa “một cái gì ta để lại sau lưng” như hành lý. Mỗi khi nói lu, ta nhớ rằng ta chỉ là những lữ khách tạm thời cư trú trong đời này và thân xác này. Bởi thế ở Tây Tạng người ta không xao lãng thì giờ vào việc làm cho hoàn cảnh sống thêm tiện nghi. Người Tây Tạng cảm thấy hài lòng nếu có đủ ăn, mặc và một mái nhà trên đầu. Nếu cứ tiếp tục như chúng ta – nghĩa là cố cải thiện hoàn cảnh sống, thì dần dần công việc ấy tự nó trở thành mục đích chính, và đó là một xao lãng vô lối. Có người nào tâm trí tỉnh táo mà lại cẩn thận trang hoàng cái phòng khách sạn của mình mỗi khi thuê mướn không? Tôi thích lời khuyên này của Patrul Rinpoche

    Hãy nhớ noi gương chị bò cái già 
    Nàng hài lòng ngủ trong vựa lúa. 
    Bạn phải ăn, ngủ và bài tiết. 
    Đó là điều không thể tránh. 
    Ngoài ra, không việc gì đến bạn. 

    Đôi khi tôi có ý nghĩ rằng thành tựu vĩ đại nhất của nền văn hóa tân tiến chính là nó bán Samsara (sinh tử, luân hồi) một cách xuất sắc và có những lối giải trí trống rỗng. Xã hội ngày nay đối với tôi dường như là cuộc lễ mừng tất cả mọi thứ gì dẫn ta đi xa sự thật, làm cho người ta khó mà sống vì chân lý, và nó lại còn không muốn cho người ta tin rằng có chân lý hiện hữu. Và tất cả điều này thoát thai từ một nền văn minh tự cho là tôn thờ sự sống, nhưng kỳ thực đã tước hết ý nghĩa đích thực của cuộc đời; một nền văn minh luôn luôn nói làm cho người ta “hạnh phúc,” mà kỳ thực đã làm bế tắc con đường dẫn đến suối nguồn của hạnh phúc chân thực. 

    Samsara tân tiến được tổ chức tinh vi, thông bác, nó tấn công ta từ mọi góc cạnh bằng tuyên truyền, và gây một môi trường nghiện ngập khó gỡ xung quanh ta. Càng cố thoát, ta dường như càng vướng sâu vào cạm bẫy tinh vi nó đặt ra cho chúng ta. Bậc thầy Jikmè Lingpa vào thế kỷ 18 nói: 

    - Chỉ vì bị cách tưởng sai biệt làm cho mê hoặc mà hữu tình lang thang bất tận, trong vòng lẩn quẩn của sinh tử. 

    Bị ám bởi những hy vọng sai lầm, mộng mị, tham vọng, chúng ta như người đang bò qua một sa mạc bất tận, đang khát cháy cổ. Và cái duy nhất mà thế giới tân tiến này đưa ra cho ta uống là một cốc nước muối, chỉ cốt để làm cho ta thêm khát.  

---o0o--- 

ĐỐI MẶT CÁI CHẾT 

    Khi nhận thức điều ấy, có phải là ta nên nghe lời Gyalseé Rinpoche khi ngài nói: 

    - Dự tính tương lai cũng giống như đi câu trong một hố sâu không có nước; 
    Không bao giờ có gì xảy ra đúng như bạn muốn, vậy hãy bỏ hết mọi kế hoạch tham vọng của ngươi đi. 
    Khi bạn phải tính toán một việc gì. 
    Thì hãy xem nó không chắc như cái giờ chết mà bạn chưa biết chắc.

     Với người Tây Tạng, lễ hội chính trong một năm là Năm Mới, như lễ Giáng sinh, Phục sinh, Tạ ơn, và sinh nhật của bạn, tất cả dồn vào một dịp lễ. Patrul Rinpoché là một bậc thầy vĩ đại mà cuộc đời đầy những biến cố lạ lùng có thể làm sống động nền giáo lý. Thay vì ăn tết và chúc mừng năm mới như mọi người, ngài lại khóc. Khi hỏi tại sao, ngài đáp rằng một năm nữa lại trôi qua, ai cũng tiến gần cái chết thêm một chút, nhưng nhiều người vẫn chưa chuẩn bị. 

    Hãy nghĩ đến cái gì có thể xảy đến cho tất cả chúng ta một ngày nào đó. Chúng ta đang tản bộ trên đường, đang suy nghĩ những chuyện làm ta phấn chấn, đang trầm tư về những vấn đề quan trọng, hoặc chỉ đang nghe máy thu thanh bỏ túi. Bỗng thình lình một chiếc xe hơi vút qua, suýt cán chết chúng ta. 

    Hãy bật truyền hình lên hay nhìn qua một tờ nhật báo: bạn sẽ thấy chết ở khắp mọi nơi. Những nạn nhân của những tai nạn phi cơ hoặc xe hơi ấy có bao giờ ngờ họ sẽ chết không? Họ xem sống là chuyện đương nhiên, cũng như chúng ta. Biết bao lần ta đã nghe những câu chuyện về người quen, bạn bè, chết bất thần, đột ngột? Ta không cần phải bệnh rồi mới chết, cơ thể ta có thể thình lình suy sụp, hỏng máy, hệt như chiếc xe hơi của ta. Hôm nay ta có thể đang mạnh khỏe, rồi bỗng dưng ngã bệnh và chết ngay hôm sau. Milarepa có khúc hát:

        Khi đang khỏe mạnh 
        Bạn khồng hề nghĩ tới ốm đau 
        Nhưng bệnh tật thình lình giáng xuống 
        Nhanh như một tia chớp. 
 
        Khi bận những việc thế gian
        Bạn không bao giờ nghĩ đến cái chết gần kề; 
        Nó đến nhanh như sấm sét 
        Bổ xuống đầu bạn.
 

    Ta cần thỉnh thoảng tự dạy mình mà hỏi: “Nếu đêm nay ta chết thì thế nào?” Ta không biết ta có thức dậy sáng hôm sau không, thức dậy ở đâu. Nếu bạn thở ra mà không thể hít vào lại, thế là bạn đã chết. Đơn giản là vậy. Người Tây Tạng có câu: “Ngày mai hay đời sau, cái gì tới trước, ta không thể biết”. 

    Một vài bậc thầy nổi tiếng của Tây Tạng ban đêm mỗi khi đi ngủ, thường rửa ly tách úp bên cạnh giường. Họ không bao giờ chắc chắn mình có thức dậy để cần tới chúng sáng hôm sau. Họ tắt hết lửa, không buồn lưu lại đóm mồi cho sáng hôm sau. Từng sát na họ sống trong ý niệm có thể cái chết đang gần kề. 

    Cạnh am cốc của Jikmé Lingpa có một cái ao mà ông phải khó nhọc lắm mới vượt qua. Một số đệ tử xin xây một cái cầu, song ông bảo: Xây làm gì? Ai biết được ta còn sống để ngủ tại đây đêm mai? Nhiều bậc thầy cố cảnh tỉnh cho ta thấy rõ tính mong manh của đời sống bằng những hình ảnh mạnh hơn: Họ bảo mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ như mình là một tên tù tội đang đi đến nơi hành quyết, như một con cá đang vùng vẫy trong lưới, như một con bò đang đợi vào nhà tế sinh. 

        Thân thể nằm dài trên giường lần cuối 
        Miệng thì thào những lời trăn trối 
        Tâm ngắm nhìn ký ức lần cuối diễn ra: 
        Bi kịch ấy khi nào sẽ đến với ngươi?

    Điều quan trọng là ta phải tư duy một cách thản nhiên và thường xuyên rằng cái chết thực có, và nó sẽ tới mà không báo trước. Đừng để như con bồ câu trong ngạn ngữ Tây Tạng, suốt đêm lăng xăng soạn chỗ ngủ cho đến sáng, và nó không còn thì giờ để ngủ nữa. Như Drakpa Gyaltsen, một bậc thầy hiện đại, đã nói: 

    - Loài người trải qua suốt cả đời để chuẩn bị hết việc này tới việc khác chỉ để thình lình bắt gặp đời sau mà họ hoàn toàn không chuẩn bị. 

---o0o--- 

XEM TRỌNG CUỘC ĐỜI 

    Có lẽ chỉ có những người hiểu được tính mong manh của đời sống mới biết được sự sống quý báu ngần nào. Một lần, khi tôi dự hội thảo ở Anh quốc, phóng viên đài BBC phỏng vấn những người tham dự. Đồng thời họ cũng nói chuyện với một người phụ nữ sắp chết. Bà ta vô cùng hãi sợ, vì bà chưa từng nghĩ cái chết là thực có. Bây giờ bà đã biết. Bà chỉ có một thông điệp duy nhất cho những người chết sau bà, đó là: Hãy xem trọng sự sống và cái chết.

     Xem trọng cuộc đời không có nghĩa phải bỏ cả đời mà tĩnh tọa tư duy như thể là ta đang ở trên Núi Tuyết hay như vào những ngày xưa tại Tây Tạng. Trong thế giới tân tiến, ta phải làm việc và kiếm sống, nhưng không nên vướng vào kiểu sống “chụp giật” không nhìn thấy một ý nghĩa sâu xa nào của cuộc đời. Công việc của ta là tìm một thế quân bình, trung đạo, không quá dấn mình vào những hoạt động và bận bịu ngoại vi, mà càng ngày càng làm cho cuộc sống của ta trở thành đơn giản. Chìa khóa để tìm ra một thể quân bình hạnh phúc cho đời sống hiện nay là tính giản dị. 

    Đó là ý nghĩa đích thực của giới luật ở trong đạo Phật. Tạng ngữ gọi giới luật là Tsul trim. Tsul có nghĩa là thích hợp, chính xác, và trim có nghĩa là quy luật hay cách thức, con đường. Vậy giới luật là làm cái gì thích hợp hay chính xác; ở trong một thời đại quá phức tạp như hiện nay, thì đó chính là sống giản dị. 

    Chính từ đây mà ta có được sự an bình trong tâm. Ta sẽ có nhiều thì giờ hơn để theo đuổi sự nghiệp tâm linh và những hiểu biết có thể giúp chúng ta giáp mặt cái chết. 

    Buồn thay, đây là điều mà trong chúng ta ít có ai làm. Có lẽ bây giờ ta nên tự đặt cho mình câu hỏi: 

    - Thực sự ta đã làm được cái gì trong đời ta? 

    Tôi muốn nói là, ta đã thực sự hiểu được bao nhiêu về sống chết. Điều làm tôi lên tinh thần là sự xuất hiện những báo cáo về các nghiên cứu kinh nghiệm cận tử, như những quyển sách của bạn tôi, anh Kenneth Ring và những người khác. Một số đáng kể những người sống sót qua tử nạn hoặc qua kinh nghiệm lúc suýt chết đều mô tả họ có một toàn cảnh cuộc đời họ diễn ra trong tâm trí vào lúc đó. Một cách sống động và chính xác, họ sống lại những biến cố quan trọng của đời họ. Đôi khi họ còn thấy sống lại những hậu quả hành động của họ đối với kẻ khác, và kinh quá những cảm xúc mà hành động họ đã gây nên. Một người đàn ông kể cho Kenneth Ring nghe: 

    - Tôi nhận ra rằng có những việc mà mỗi người được đưa xuống trần gian để học hỏi và thực chứng. Chẳng hạn để san sẻ thêm tình yêu thương, lân mẫn đối với nhau hơn. Để khám phá rằng điều quan trọng nhất là mối tương giao giữa người với người và lòng nhân ái chứ không phải là những thứ duy vật. Để thấy rằng mỗi một việc làm của bạn trong đời này đều được ghi lại, và mặc dù lúc đó bạn không nghĩ tới, nó vẫn xuất hiện lại về sau.

    Đôi khi cuộn phim về cuộc đời xảy ra kèm theo một “thực thể ánh sáng” quang vinh. Điều nổi bật trong nhiều nhân chứng khác nhau là, sự gặp gỡ “thực thể” ấy chứng tỏ rằng mục đích thực sự duy nhất trong đời là “tập sống yêu thương kẻ khác và có được tri kiến”

    Một người kể với Raymond Moody: 

    - Khi ánh sáng xuất hiện, điều đầu tiên ngài nói với tôi là: “Con đã làm gì để chứng tỏ với ta là con đã sống trọn vẹn đời con?” hoặc một điều gì tương tự như thế... Tựu trung suốt buổi, ngài cứ nhấn mạnh về tầm quan trọng của yêu thương... Ngài dường như cũng rất quan tâm đến những việc liên hệ tới hiểu biết nữa... 

    Một người khác bảo với Kenneth Ring: 

    - Tôi được hỏi, mà không nghe thành lời – nó như một giao cảm tâm linh trực tiếp - rằng: “Tôi đã làm gì để đem lại lợi lạc hay tiến hóa cho loài người?” 

    Những hành động của ta lúc sống như thế nào, thì khi chết ta như thế ấy. Và tất cả mọi sự, tuyệt đối tất cả, đều đáng kể.

   ---o0o--- 

MÂY MÙA THU 

    Ở tu viện của ngài tại Népal, vị đệ tử già nhất hiện còn sống của thầy tôi làDilgo Khientse Rinpoche, đã giảng dạy đến ngày cuối một khóa tu học. Ngài là một trong những bậc thầy nổi tiếng hiện nay, đã từng dạy cả đến đức Dalai Lama và nhiều bậc thầy khác, những người xem ngài như một kho tàng bất tận của trí tuệ và từ bi. Tất cả chúng tôi đều ngước lên mà chiêm ngưỡng con người vĩ đại như tuyết ấy, một bậc học giả, thi sĩ, và hành giả mật tông đã trải qua hai mươi lăm năm trong đời để nhập thất ẩn cư. Ngài dừng lại và đưa mắt nhìn xa xăm, dạy rằng: 

    - Tôi nay đã già bảy mươi tám tuổi, đã trông thấy quá nhiều việc trong đời. Bao nhiêu người trẻ tuổi đã chết, bao nhiêu người bằng tuổi đã chết, bao nhiêu người già đã chết. Nhiều người ở trên cao đã tụt xuống thấp. Nhiều người ở dưới thấp đã vượt lên cao. Nhiều xứ sở đã biến đổi. Đã có bao nhiêu biến động đau thương, bao nhiêu chiến tranh, tật dịch, bao nhiêu tàn phá trên khắp thế giới. Tuy thế tất cả những biến chuyển kia không thực gì hơn một giấc chiêm bao. Khi ta nhìn thật sâu xa, ta nhận ra rằng không có một cái gì trường cửu miên viễn, không một cái gì, cả đến sợi lông măng trên thân thể ta. Và đây không là một lý thuyết, mà là điều bạn có thể thực sự chứng nghiệm, thấy biết bằng chính mắt bạn. Tôi thường tự hỏi: “Tại sao mọi sự đều thay đổi?” Và chỉ một câu trả lời duy nhất trở lại với tôi: “Đấy là cuộc đời.” Không một thứ gì, tuyệt đối không thứ gì, có một tính chất trường cửu nào cả. Đức Phật dạy: 

        Hiện hữu của chúng ta mong manh như mây mùa thu 
        Cảnh sống chết như màn nhảy múa. 
        Đời người như chớp loáng qua bầu trời 
        Vút nhanh như thác trên núi cao đổ xuống.

    Một trong những lý do chính khiến ta lấy làm khó khăn lo sợ khi đối mặt cái chết là vì ta tảng lờ sự thật về vô thường. Chúng ta cứ khăng khăng muốn mọi sự tiếp tục như cũ, đến nỗi ta tưởng rằng chúng vẫn luôn như vậy. Nhưng đấy chỉ là ảo tưởng. Chúng ta cũng thường thấy rằng lòng tin không ăn nhập gì với thực tại. Ảo tưởng ấy, cùng với những thông tin sai lạc, ý tưởng, giả thuyết, là một nền tảng bấp bênh trên đó ta xây dựng cuộc đời ta. Dù sự thật có xen vào chứng minh ngược lại, chúng ta vẫn cố bám giữ lấy ảo tưởng của ta. 

    Trong tâm trí ta, sự biến chuyển luôn đồng nghĩa với mất mát, đau khổ. Và khi nó xảy tới, ta cố tự “gây mê” cho mình càng nhiều càng hay. Ta cứ nghĩ một cách ươn ngạnh phi lý rằng sự trường cửu đem lại an ninh, còn vô thường thì không. Nhưng kỳ thực vô thường cũng như một vài người ta gặp trong đời, lúc đầu khó chịu nhưng khi đã quen biết lại rất thân thiện, không đáng bực mình như ta tưởng. 

    Hãy suy nghĩ về điều này: Sự thực chứng về vô thường, ngược đời thay, lại là cái duy nhất ta có thể nắm chắc, có lẽ đấy là sở hữu bền bỉ duy nhất của ta. Nó giống như bầu trời hay trái đất. Bất kể vạn vật chung quanh ta đều có thể sụp đổ, đổi thay bao nhiêu, trời đất vẫn tồn tại mãi. Chẳng hạn chúng ta có trải qua một cơn khủng hoảng đau đớn ê chề, toàn bộ cuộc đời ta dường như tan rã thành mảnh vụn... Chẳng hạn người bạn đời của ta đột ngột bỏ ta không báo trước. Nhưng trái đất vẫn còn đó, bầu trời còn đây. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng ngay cả trái đất cũng chấn động, chỉ để mà nhắc cho ta nhớ đừng có chắc ăn bất cứ một việc gì...

    Ngay cả đức Phật cũng chết. Cái chết của ngài là một cách giáo hóa, để gây chấn động nơi kẻ ngây ngô, biếng nhác, tự mãn, để đánh thức cho ta thấy sự thật là mọi sự đều vô thường, và cái chết là một sự kiện hiển nhiên của cuộc đời. Khi gần chết, đức Phật đã dạy: - 

    “Trong các dấu chân, dấu chân voi là lớn hơn cả. Trong các phép quán niệm xứ, thì niệm vô thường là hơn cả.” 

  (Kinh Đại bát Niềt Bàn)

    Mỗi khi chúng ta đánh mất mục tiêu của mình, rơi vào lười biếng giải đãi, thì sự quán niệm vô thường và chết lay ta trở về sự thật: 

        Cái gì đã sinh ra sẽ chết 
        Cái gì đã tụ, sẽ tan 
        Cái gì có tích lũy sẽ cạn kiệt 
        Cái gì đã xây dựng sẽ sụp đổ 
        Và cái gì lên cao sẽ xuống thấp. 

    Toàn thể vũ trụ, theo các nhà khoa học hiện nay, chỉ là sự chuyển biến, hoạt động, tiến trình, một tổng thể biến thiên làm nền tảng cho mọi sự vật. 

    Mỗi tác động hỗ tương trong một hạt nhân nguyên tử gồm có sự hủy diệt và tái tạo những hạt nguyên tử (subatomic particles). Thế giới bên trong một nguyên tử là cuộc luân vũ liên tục của sinh và diệt, vật chất chuyển thành năng lượng và năng lượng thành vật chất. Những hình dạng phù du thoạt hiện thoạt mất tạo thành một thực thể bất tuyệt mãi mãi được tái tạo. (*) 

    Đời chúng ta là gì nếu không phải là cuộc luân vũ của những hình dạng phù du ấy? Há chẳng phải mọi sự luôn luôn thay đổi: Lá trên cành cây trong công viên, ánh sáng trong phòng bạn lúc đang xem sách này, những mùa, khí hậu, thời gian trong ngày, người qua lại trên đường. Còn bạn thì thế nào: Không phải mọi sự ta làm trong quá khứ bây giờ chỉ như một giấc mộng đó sao? Những bạn bè thuở bé, những chỗ ngày nhỏ ta thường lui tới, những quan niệm, ý tưởng mà có một thời ta đã say mê ấp ủ: Ta đã bỏ lại tất cả sau lưng. Bây giờ, trong giây phút này, bạn thấy sự đọc những trang sách này dường như rất thực. Nhưng rồi nó cũng chỉ còn là một ký ức. 

    Những tế bào trong cơ thể ta đang chết, những tế bào não ta đang tàn tạ, cả đến sự biểu hiện trên gương mặt ta cũng luôn thay đổi tùy theo tâm trạng ta. Cái mà ta gọi là tính tình của ta chỉ là một dòng tâm thức, không gì khác. Hôm nay ta cảm thấy thoải mái vì mọi sự tiến triển tốt đẹp, ngày mai ta cảm thấy ngược lại. Vậy thì cái cảm giác thoải mái đi đâu rồi? Những ảnh hưởng mới xâm chiếm lấy ta, mỗi khi hoàn cảnh thay đổi: Chúng ta đã vô thường, hoàn cảnh cũng vô thường, không một thứ gì chắc chắn bền bỉ ở bất cứ đâu, mà ta có thể chỉ ra. 

    Không gì khó tiên liệu hơn là những ý tưởng và tình cảm của ta: Bạn có bao giờ biết được bạn sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào trong thời gian sắp tới không? Tâm ta quả thực trống rỗng, vô thường, phù du như một giấc mộng. Hãy nhìn một ý tưởng: Nó đến, ở và đi. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, và ngay cái ý nghĩ hiện tại khi ta cảm nhận nó, nó đã thành dĩ vãng. 

    - Điều duy nhất ta thực sự có được là cái bây giờ, là hiện tại. 

    Có đôi lúc, sau khi tôi giảng dạy những điều này, một người tiến lên bảo: 

    - Tất cả chuyện đó rõ ràng quá rồi. Tôi đã biết. Hãy giảng cho tôi nghe một điều gì mới lạ. 

    Tôi bảo họ:3 

    - Bạn có bao giờ thực sự hiểu, thân chứng sự thật vô thường hay chưa? Bạn đã thâm nhập nó trong từng ý tưởng, hơi thở và động tác, đến nỗi cuộc đời bạn nhờ vậy mà được đổi mới hay chưa? Hãy tự hỏi bạn hai câu này: Tôi có nhớ vào mọi lúc, rằng tôi đang chết hay không, và mọi người mọi vật khác cũng đang chết, bởi thế đối xử với mọi chúng sinh với lòng bi mẫn trong mọi lúc? Sự hiểu biết về chết và vô thường nơi tôi có thực đã trở nên bén nhạy, cấp thiết đến độ tôi đang dành mọi giây phút còn lại của đời tôi để theo đuổi sự nghiệp giác ngộ? Nếu bạn có thể trả lời “Có” cho cả hai câu hỏi ấy, thì bạn mới thực sự đã hiểu ý vô thường. 

    ---o0o--- 

3. TƯ DUY VÀ THAY ĐỔI 

Hồi còn bé ở Tây Tạng, tôi có nghe câu chuyện về bà Krisha Gotami, một thiếu phụ có cái diễm phúc được sống vào thời Phật. Đứa con đầu lòng của nàng mới chừng một tuổi bỗng nhiên ngã bệnh và chết. Quá đau khổ, nàng ôm xác con đi lang thang khắp các nẻo đường, gặp ai cũng xin cứu cho nó sống lại. Một số người tảng lờ, vài người cười nhạo, nghĩ nàng đã điên, nhưng cuối cùng nàng gặp một người thông minh chỉ cho nàng biết đức Bụt là người duy nhất trên đời có thể làm được cái phép lạ mà nàng đang cần. Bởi thể nàng tới nơi Bụt, đặt xác con dưới chân ngài và kể lại chuyện trên. Bụt lắng nghe với lòng bi mẫn vô biên, rồi ngài nhẹ nhàng bảo: 

    - Chỉ có một cách duy nhất để hàn gắn nỗi đau buồn của con. Con hãy xuống phố, xin về cho ta một hột mù tạt từ một nhà nào chưa hề có người chết. 

    Gotami sung sướng đi ngay xuống phố thị. Nàng đứng trước ngôi nhà đầu tiên và nói: 

    - Bụt đã bảo tôi đi tìm một hột mù tạt từ nơi nhà chưa từng biết đến cái chết. Người trong nhà nói: 

    Nhiều người đã chết trong nhà này. 

    Nàng đến nhà kế tiếp, và cũng được bảo: 

    Trong gia đình chúng tôi, có vô số người thân đã chết. 

    Cứ thế qua đến nhà thứ ba thứ tư cho đến khi nàng đã đi quanh hết cả thành phố, và nhận ra rằng cái điều kiện mà Bụt đặt ra không thể nào thực hiện. Nàng bèn đem xác con đến nghĩa địa và nói lời cuối cùng vĩnh biệt nó, rồi trở về nơi Bụt. Ngài hỏi: 

    Con có đem lại hột mù tạt đó không? 

    Nàng đáp:

    Thưa Bụt không. Con bắt đầu hiểu được bài học Bụt cố dạy con. Sự đau khổ đã làm cho con mù quáng, và con nghĩ rằng chỉ có con là khổ vì cái chết. 

    Phật hỏi: 

    Tại sao con trở lại? 

    Nàng đáp: 

    Để xin Bụt dạy cho con chân lý về chết là gì, cái gì ở đằng sau và bên kia sự chết, và có cái gì ở trong con sẽ không chết hay không. 

    Đức Phật khởi sự giảng dạy cho nàng. 

    - Nếu con muốn biết sự thật về sống và chết, con hãy tư duy liên tục về điều này: “Có một định luật duy nhất trong vũ trụ không bao giờ thay đổi, đó là mọi sự đều chuyển biến vô thường. Cái chết của con con bây giờ đã giúp con thấy được rằng cái thế giới của sinh tử mà ta đang sống là một biển khổ vô biên không thể nào chịu nổi. Chỉ có một con đường duy nhất ra khỏi vòng sống chết bất tận đó là con đường giải thoát. Vì sự đau khổ đã khiến con sẵn sàng học hỏi, và tâm con sẵn sàng mở ra để đón nhận chân lý, nên ta sẽ khai thị cho con”. 

    Krisha Gotami quỳ dưới chân Bụt và theo Bụt suốt quãng đời còn lại của nàng. Khi gần chết, nàng đã giác ngộ.  


---o0o--- 

CHẤP NHẬN CÁI CHẾT 

    Câu chuyện về Krisha Gotami chỉ cho ta một điều mà ta có thể chiêm nghiệm nghiền ngẫm: Một sự xúc chạm gần gũi với cái chết có thể đem lại một sự tỉnh thức thực sự, một sự chuyển hóa trong toàn bộ nhân sinh quan của ta. 

    Hãy lấy ví dụ cái kinh nghiệm cận tử. Có lẽ một trong những khải thị quan trọng nhất của nó đã chuyển hóa con người trải qua kinh nghiệm ấy như thế nào. Những nhà nghiên tầm đã lưu ý một số hậu quả và biến đổi đáng ngạc nhiên nơi những người ấy: Đó là họ bớt sợ hãi và biết chấp nhận sự chết; họ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác nhiều hơn, họ càng thấy rõ tầm quan trọng của yêu thương, họ ít quan tâm đến những theo đuổi vật chất, họ càng tin tưởng vào chiều hướng tâm linh và ý nghĩa cuộc đời, và dĩ nhiên họ càng mở rộng niềm tin về đời sau. Một người đã nói với Kenneth Ring:

    - Tôi đã được chuyển hóa từ một con người lạc lõng lang thang không mục đích, không thiết gì trong đời ngoài ra là tài sản vật chất, đến một người có định hướng, có động cơ sâu xa, có một mục đích trong cuộc đời, và một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có một quả báo vào cuối cuộc đời. Lòng say mê của cải, ham muốn sở hữu vật chất nơi tôi đã được thay bằng sự khát khao tìm hiểu về tâm linh và ước mong thấy thế giới được cải thiện.

    Một phụ nữ nói với Margot Grey, một nhà nghiên cứu Anh quốc về kinh nghiệm cận tử: 

    - Tôi dần dần cảm thấy có một ý thức cao về tình yêu, khả năng cảm thông, khả năng tìm thấy niềm vui và lạc thú trong những việc nhỏ nhặt tầm thường nhất quanh tôi... Tôi phát sinh một lòng bi mẫn lớn lao đối với người bệnh và người sắp chết, và hết sức mong sao cho họ biết và ý thức được rằng tiến trình chết chỉ là một sự nối dài của đời sống. 4 

    Tất cả chúng ta đều biết những khủng hoảng đe dọa sự sống như bệnh nặng, v.v... có thể phát sinh những chuyển hóa sâu xa tương tự. Freda Naylor, một bác sĩ can đảm ghi nhật ký khi chết vì bệnh ung thư như sau: 

    - Tôi đã có những kinh nghiệm mà có lẽ không bao giờ tôi có được, về điều nầy tôi phải cảm ơn bệnh ung thư. Sự khiêm cung, giảng hòa với cái chết của chính tôi, nhận ra năng lực tâm linh tôi - một điều luôn làm tôi ngạc nhiên - và nhiều điều khác nữa về chính mình mà tôi đã khám phá bởi vì tôi đã dừng tại chỗ, xác định lại và tiến lên. (2) 

    Nếu chúng ta quả có thể “xác định lại và tiến lên” với lòng khiêm cung và cởi mở ấy, và thực sự chấp nhận cái chết của chúng ta, thì ta sẽ tự thấy mình sẵn sàng hơn để đón nhận những chỉ dẫn về tâm linh để tu tập. Sự sẵn sàng đón nhận này còn mở đến một khả năng khác kỳ diệu hơn: Khả năng phục hồi đích thực. 

    Tôi nhớ một phụ nữ Mỹ trung niên đến viếng Dudjom Rinpoche tại Nữu ước vào năm 1976. Bà ta không đặc biệt quan tâm gì tới Phật giáo, nhưng bà nghe nói có một bậc thầy vĩ đại đang ở trong thành phố. Bà đang ốm nặng, và trong cơn tuyệt vọng bà muốn thử bất cứ gì, cả đến sự viếng thăm một bậc thầy Tây Tạng! Lúc ấy tôi làm người thông dịch. 

    Bà vào phòng, ngồi trước mặt Dudjom Rinpoche. Bà quá xúc động bởi chính tình trạng mình và sự hiện diện của ngài, tới nỗi bà òa lên khóc. Bà la lên: 5  

    - Bác sĩ của tôi bảo tôi chỉ còn sống vài tháng nữa. Thầy có thể nào giúp tôi không? Tôi đang chết. 

    Ngạc nhiên cho bà làm sao, một cách nhẹ nhàng đầy từ mẫn Dudjom Rinpoche khởi sự cười khúc khích. Rồi ngài bình tĩnh nói: 

    - Bà thấy, ai trong chúng ta cũng đang chết cả. Chỉ là vấn đề thời gian. Một số người chết sớm hơn người khác, thế thôi.  

    Với những lời ít ỏi đó, ngài giúp bà ta thấy được tính chất phổ quát của sự chết, và cái chết sắp tới của bà không phải là duy nhất. Điều ấy làm bà đỡ lo. Rồi ngài nói về chết và chấp nhận cái chết. Ngài nói về niềm hy vọng ở trong sự chết. Và cuối cùng ngài cho bà một phương pháp tu tập để chữa trị, mà bà đã hăng hái tuân theo.

    Không những bà khởi sự chấp nhận cái chết, mà nhờ tu tập một cách hoàn toàn thành khẩn, bà đã khỏi bệnh. Tôi đã nghe nhiều trường hợp khác, có những người được chẩn đoán là bệnh đã tới thời kỳ sau chót, chỉ còn sống vài tháng, nhưng khi họ đi vào độc cư, tu tập tâm linh, thực sự đối mặt với chính mình và với cái chết, thì họ lại hết bệnh. Điều này cho ta thấy gì? Rằng khi ta chấp nhận chết, chuyển hóa thái độ của ta đối với cuộc đời, và tìm ra mối liên hệ căn để giữa sống và chết, thì lúc ấy, một khả năng chữa trị kỳ diệu có thể xảy ra. 

    Những Phật tử Tây Tạng tin rằng những bệnh như ung thư có thể là một lời cảnh cáo nhắc ta nhớ rằng ta đã lãng quên những khía cạnh sâu xa của bản thể ta, những nhu cầu tâm linh chẳng hạn. Nếu ta nghiêm túc đón nhận sự cảnh cáo này, và thay đổi một cách căn bản chiều hướng cuộc đời ta, thì rất có hy vọng chữa lành không những thân xác ta mà cả toàn thể con người ta nữa. 

---o0o--- 

SỰ THAY ĐỔI SÂU XA TRONG TÂM ĐỂ 

    Tư duy sâu xa về vô thường, như Krisha Gotami đã làm là thấu hiểu tận trong tim bạn cái sự thật được diễn tả trong những câu thơ của một bậc thầy hiện nay, Nyoshul Khenpo: 

        Bản chất mọi sự đều huyễn hóa phù du 
        Những người nhận thức nhị nguyên thường xem khổ là vui 
        Như kẻ liếm mật nơi lưỡi dao bén. 
        Đáng thương những ai bám chặt vào thực hữu 
        Hãy xoay sự chú ý vào trong, hỡi bạn thân. 

    Nhưng thật là khó làm sao để xoay chú ý vào trong! Chúng ta dễ dàng quen thói cũ, đặt ra những mẫu mực để nó trở lại khống chế mình! Mặc dù, như bài thơ trên cho thấy, chúng đem lại đau khổ cho ta, ta vẫn chấp nhận chúng một cách cam chịu, vì đã quen đầu hàng chúng. Chúng ta có thể xem tự do giải thoát như một lý tưởng, song khi động tới những thói quen của mình, thì ta hoàn toàn biến thành nô lệ. 

    Tuy thế, nhờ tư duy mà ta có thể dần dần đạt đến trí tuệ. Chúng ta có thể một ngày nào đó nhận ra rằng mình đang tái đi tái lại những mẩu mực cố định, và khởi sự mong muốn thoát ra. Dĩ nhiên chúng ta có thể rơi trở lại vào thói quen, nhiều lần, nhưng dần dà cũng có thể ngoi lên khỏi chúng và bắt đầu thay đổi. Bài thơ sau đây nói cho tất cả chúng ta, gọi là “Tự truyện trong Năm Chương”:  

1. Tôi đi xuống đường phố 
 Có một lỗ sâu bên vệ đường 
Tôi rớt vào đó. 
Tối chới với vô phương. 
2. Tôi đi xuống cũng con đường ấy 
Có một lỗ sâu bên vệ đường 
Tôi làm bộ như không trông thấy 
Tôi lại rớt như thường. 
Tôi không ngờ mình ở ngay chỗ cũ 
Nhưng đó đâu phải lỗi tại tôi 
Mất nhiều thời gian mới hòng ra được. 
3. Tôi cũng lại đi con đường cũ 
Có một lỗ sâu bên vệ đường 
Tôi thấy nó vẫn đang ở đấy 
Và tôi vẫn rơi vào. 
Đó là thói quen Mắt tôi vẫn mở 
Tôi biết mình ở đâu 
Đấy là lỗi tại tôi 
Tôi liền ra tức khắc. 
4. Tôi đi xuống con đường phố cũ 
Có một lỗ sâu bên vệ đường 
Tôi đi quành qua nó. 
5. Tôi đi xuống bằng con đường khác. 

    Mục đích của tư duy về cái chết (tử tưởng) là làm một cuộc đổi mới thực sự trong đáy tim bạn, và tập khởi sự tránh cái “lỗ sâu bên vệ đường” bằng cách “đi con đường khác”. Thường điều này cần có một thời gian nhập thất quán tưởngsâu xa, vì chỉ có vậy ta mới có thể mở mắt thực sự để thấy ta đã làm gì với cuộc đời ta. 

    Nhìn thẳng cái chết không nhất thiết phải hãi hùng ghê gớm lắm. Tại sao không tư duy sự chết khi bạn đang cao hứng, thoải mái, nằm trong giường ấm áp tiện nghi, hoặc khi bạn đang trải qua dịp nghỉ lễ, đang lắng nghe bản nhạc mà bạn yêu thích? Tại sao không tư duy sự chết khi bạn đang hạnh phúc, khỏe mạnh, đầy tin tưởng và hoàn toàn an vui? Bạn có để ý rằng có những giờ phút đặc biệt trong đó bạn có khuynh hướng nội quán hay không? Hãy làm việc với những giây phút ấy một cách nhẹ nhàng, vì đấy là những giây phút bạn có thể có được một kinh nghiệm mãnh liệt sâu xa, thay đổi toàn thể quan niệm của bạn về thế giới. Có những thời điểm trong đó những niềm tin cũ của bạn trước kia tự động sụp đổ hoàn toàn, bạn tự thấy mình được đổi mới hẳn.

    Sự quán niệm cái chết sẽ đem lại cho bạn một ý thức sâu xa về sự từ bỏ trong đạo Phật, Tạng ngữ là Ngé jung. Ngé có nghĩa là “thực sự” hay “quyết định”, jung “ra khỏi”, “ngoi lên”, hay “sinh ra”. Kết quả sự tư duy thường xuyên và sâu xa về cái chết là, bạn sẽ thấy mình “ngoi lên” khỏi những mẫu mực thói quen của mình, thông thường là với cảm giác ngấy chán đối với chúng. Bạn sẽ thấy mình càng lúc càng thêm sẵn sàng rũ bỏ chúng, và cuối cùng bạn có thể thoát khỏi chúng một cách êm thấm nhẹ nhàng, “như rút một cọng tóc ra khỏi một thỏi bơ”, các bậc thầy đã ví dụ. 

    Sự từ bỏ mà bạn sẽ đạt tới ấy, đem lại cho bạn vừa nỗi buồn vừa niềm vui: Buồn vì bạn nhận thức được cái vô vị của những thói cũ nơi bạn, và vui vì cái tri kiến sâu xa dần dần mở ra trong bạn, khi bạn có thể buông bỏ những thói cũ. Đây không là một niềm vui phàm tục, mà là một hỉ lạc làm phát sinh một năng lực mới mẻ, thâm hậu, một niềm tin, một cảm hứng bền bỉ thoát thai từ nhận thức rằng mình không phải là tên nô lệ cho những thói quen của mình, quả thế mình có thể ngoi lên khỏi chúng, rằng mình có thể thay đổi, và trở nên càng ngày càng giải thoát tự do.  

    ---o0o--- 

NHỊP TIM CỦA THẦN CHẾT 

    Sẽ không có hy vọng nào biết được cái chết nếu nó chỉ xảy đến một lần mà thôi. Nhưng may thay, cuộc đời toàn thị chỉ là một màn luân vũ của sống và chết, một cuộc nhảy múa của vô thường. Mỗi khi tôi nghe tiếng thác đổ, hay tiếng sóng vỗ vào bờ, hay tiếng tim tôi đập, tôi lại nghe tiếng của vô thường. Những thay đổi ấy, những cái chết nhỏ ấy là những móc nối sống động giữa ta với sự chết. Đó là mạch nhảy của thần chết, là nhịp tim của thần chết, nhắc ta buông mọi sự ta đang bám víu. 

    Bởi thế ta hãy làm việc với những thay đổi ấy ngay bây giờ, trong đời sống: Đấy là cách thực sự để chuẩn bị cho cái chết. Đời sống có thể đầy những nỗi đau thể xác và tinh thần, đầy những gian khổ, nhưng tất cả những thứ này lại là những cơ hội giúp ta có thể chấp nhận cái chết. Chỉ khi ta tin tưởng mọi sự vẫn trường tồn, thì ta mới không thể rút bài học từ biến dịch. Khi ấy ta như bị nhốt kín, và trở nên tham lam níu kéo (chấp thủ). Chấp thủ là nguồn gốc mọi vấn đề của chúng ta. Vì vô thường đối với chúng ta có nghĩa là lo âu bất trắc, nên ta bám vào, níu kéo mọi sự một cách tuyệt vọng, mặc dù mọi sự đều biến đổi. Chúng ta sợ phải buông xả, và có thể nói là chúng ta sợ phải sống thực sự, vì tập sống thực sự có nghĩa tập buông xả. Và đấy là bi kịch, là sự nghịch lý của cuộc đấu tranh hòng tiếp tục bám víu: Không những điều ấy là bất khả, mà nó còn mang lại cho ta cái khổ mà ta muốn tránh. Cái ý định đằng sau sự bám víu tự nó có thể không có gì quấy; không có gì sai lầm trong sự việc ta muốn được hạnh phúc an vui, nhưng cái điều ta muốn níu kéo thì tự bản chất đã là không thể níu kéo được. Người Tây Tạng nói rằng: “Chúng ta không thể rửa tay hai lần trong cùng một dòng nước”, và “Dù có ép mạnh bao nhiêu, bạn cũng không thể ép cát ra dầu”. 

    Thâm nhập lý vô thường thực sự chính là dần dần tự giải thoát khỏi chấp thủ, khỏi quan niệm sai lầm tai hại của ta về trường tồn, khỏi sự say mê an ninh bảo đảm trên đó ta dựng xây mọi thứ. Dần dà, ta nhận ra rằng, cái cơn nhức nhối tim gan mà ta phải trải qua do cố níu những gì không níu được, suy cho cùng thực không cần thiết. Lúc đầu, ngay đến chuyện này cũng thật khó mà chấp nhận, vì ta chưa quen thuộc. Nhưng khi càng suy nghĩ và tiếp tục suy nghĩ, tâm trí ta sẽ dần dần thay đổi. Sự buông xả bắt đầu có vẻ tự nhiên hơn, và càng ngày càng dễ. Có thể phải cần nhiều thời gian để những sự điên rồ của ta lắng xuống, nhưng càng tư duy, ta càng phát triển cái tri kiến của sự buông xả, chính lúc đó một sự đổi mới xảy ra trong lối nhìn của ta đối với mọi sự. 

    Quán niệm tính vô thường mà thôi chưa đủ, bạn phải làm việc với nó trong cuộc đời của bạn. Cũng như học y khoa cần cả lý thuyết lẫn thực hành, học sống cũng vậy, và trong sự học sống ở đời, sự thực hành nằm ngay đây, trong phòng thí nghiệm của biến dịch. Khi những đổi thay xảy đến, chúng ta tập nhìn chúng với một tuệ giác mới. Mặc dù mọi sự vẫn tiếp tục xảy ra như trước, song một cái gì trong ta sẽ đổi khác. 

    Hoàn cảnh bây giờ đối với ta có vẻ thoải mái hơn, bớt căng thẳng khổ nhọc, và dù có trải qua những cuộc bể dâu, chúng ta cũng ít kinh hãi trước ảnh hưởng của chúng. Mỗi cuộc bể dâu đem lại cho ta thêm một ít thực chứng, và quan niệm của ta về sự sống trở nên càng ngày càng sâu sắc và khoáng đạt hơn. 


---o0o--- 

LÀM VIỆC VỚI NHỮNG ĐỔI THAY 

    Ta hãy thử một thí nghiệm. Hãy nhặt một đồng xu lên, và tưởng tượng nó là cái đối tượng mà bạn đang bám víu. Bạn hãy giữ nó thật chặt trong nắm tay đối diện với mặt đất. Bấy giờ nếu bạn buông ra hay thả lỏng nắm tay, bạn sẽ mất cái mà bạn đang nắm giữ. Chính đó là lý do làm bạn phải nắm lại. 

    Nhưng có một khả năng khác: Bạn có thể buông ra mà vẫn giữ được đồng xu đó. Bạn duỗi cánh tay, để ngữa nắm tay cho đối diện với bầu trời. Rồi bạn thả nắm tay, thì đồng xu vẫn còn nằm trên bàn tay mở của bạn. Thế là bạn buông xả mà đồng xu vẫn còn là của bạn, mặc dù xung quanh nó là hư không bao la. 

    Bởi vậy vẫn có cách để chúng ta có thể chấp nhận vô thường mà vẫn thưởng thức được hương vị cuộc đời, và đồng thời không bám víu. Ta hãy nghĩ đến những gì thường xảy ra trong những mối tương quan. Phần lớn chỉ khi sắp mất bạn, người ta mới nhận ra mình thương bạn, và khi ấy người ta càng bám chặt hơn. Nhưng càng níu kéo thì người kia càng thoát ly, và mối liên lạc giữa họ càng mong manh hơn. 

    Chúng ta muốn có hạnh phúc, nhưng chính cái cách ta theo đuổi hạnh phúc lại quá vụng về đến nỗi nó chỉ đem lại thêm nhiều phiền muộn. Thông thường ta tưởng chừng ta phải giữ kỹ để có được cái gì mà ta cho là sẽ bảo đảm hạnh phúc của ta. Ta tự hỏi: “Làm sao ta có thể sẽ bảo đảm một cái gì nếu ta không thể sở hữu nó?” Quá thường khi, ta lẫn lộn sự bám víu với tình yêu. Ngay cả khi mối tương giao thật tốt đẹp, thì tình yêu vẫn thường bị hỏng do sự bám víu, từ bám víu có nỗi bất an, chiếm hữu và kiêu căng; và khi tình yêu bay mất, thì bạn chỉ còn lại những hoài niệm để chứng tỏ tình yêu của bạn, đó là vết sẹo của sự bám víu. 

    Vậy thì làm thế nào ta có thể vượt qua sự bám víu? Chỉ bằng cách trực nhận bản chất vô thường của nó; sự nhận chân này sẽ giải thoát ta khỏi nanh vút của tính chấp thủ. Chúng ta sẽ thoáng thấy được như các thiền sư đã nói, thái độ đích thực đối với sự đổi thay là: Ta như thể bầu trời đang nhìn mây bay qua, hay “giải thoát như thủy ngân”. Khi thủy ngân giọt trên đất, bản chất nó là vẫn nguyên vẹn không lấm bụi. Khi ta theo lời dạy của các bậc thầy, dần dần buông bỏ sự bám víu, thì một lòng bi mẫn bao la cũng nảy sinh trong ta. Những đám mây vô minh chấp thủ tan biến, và mặt trời là trái tim yêu thương chân thực bỗng chiếu sáng. Chính lúc ấy từ bản thể sâu xa, ta bắt đầu nếm được hương vị câu thơ chứa đựng chân lý siêu thoát của William Blake: 

Kẻ nào ràng buộc mình vào một lạc thú 
Làm hỏng đôi cánh cuộc đời; 
Kẻ nào chỉ hôn hạnh phúc khi nó lướt qua 
Sẽ sống trong ánh mặt trời Bất tận. 

---o0o--- 

TINH THẦN CHIẾN SĨ 

    Chúng ta có thói quen tin rằng nếu ta buông xả, ta sẽ không còn gì. Nhưng cuộc đời luôn luôn cho thấy cái ngược lại. Đó là, sự buông xả chính là con đường đưa đến giải thoát tự do. 

    Cũng như khi sóng đánh vào bờ, những mỏm đá không thiệt hại gì mà còn được giũa mòn và chạm trổ thành những hình dáng đẹp, nhân cách chúng ta cũng vậy, có thể được un đúc nhờ những cuộc đổi thay, những góc cạnh thô nhám được giũa mòn và trở nên mềm mại. Nhờ những đổi thay mà ta có thể dần phát huy một thái độ hòa nhã nhưng không ai lay chuyển nổi. Lòng tự tín nơi ta càng thêm tăng trưởng và từ đó tự nhiên tỏa ra sự tử tế từ bi, đem lại niềm vui cho người khác. Chính thiện tính ấy là cái gì còn lại sau khi chết, cái thiện tính căn để sẵn có trong tất cả mọi người chúng ta. Toàn thể cuộc đời chỉ là để dạy cho ta làm thế nào để hiển lộ thiến tính ấy, và luyện cho ta thực chứng nó. 

    Bởi thế mỗi khi những mất mát, vỡ mộng trong đời dạy cho ta về vô thường, chúng lại đưa ta đến gần sự thật hơn. Khi bạn từ trên cao rớt xuống thì chỉ có một chỗ duy nhất có thể đậu lại, đó là nền mặt đất, nền tảng của chân lý. Và nếu bạn có tuệ giác do sự tu tâm đem lại, thì việc rớt xuống tuyệt nhiên không là một tai họa, vì chính nhờ vậy bạn tìm được một chỗ trú nội tâm. 

    Những khó khăn và chướng ngại nếu hiểu đúng và biết vận dụng, thường có thể biến thành nguồn năng lực không ngờ. Trong tiểu sử những bậc thầy, ta thường thấy rằng nếu họ không gặp khó khăn chướng ngại, thì họ đã không khám phá được sức mạnh cần thiết để vượt qua. Chẳng hạn đời của Gesar, vị vua chiến sĩ mà những cuộc tẩu thoát đã làm nên bản anh hùng ca vĩ đại nhất của văn học Tây Tạng. Gesar có nghĩa là không ai hàng phục nổi. Từ khi ông sinh ra, người chú ác độc tên Trotung tìm đủ mọi cách để giết, nhưng càng gặp nạnGesar càng trở nên hùng mạnh. Kỳ thực, chính nhờ những nỗ lực của chú để làm hại ông, mà ông trở thành con người vĩ đại như thế. Do đó Tây Tạng có ngạn ngữ: “Trotung tro ma tung na, Gesar ge mi sar,” có nghĩa nếu Trotungkhông mưu mô quỷ quyết, thì Gesar đã không lên cao như vậy. 

    Đối với dân Tây Tạng, Gesar không những là một chiến sĩ về quân sự mà cả về tâm linh, nghĩa là đã luyện được một thứ dũng cảm đặc biệt có tính cách thông minh thiên phú, vừa hiền hòa vừa bất khuất. Chiến sĩ tâm linh thì dù vẫn còn sợ hãi song cũng đủ can đảm để nếm trải khổ đau, nhớ đến nỗi sợ hãi căn để của mình, và rút ra được bài học từ những gian khổ nên không tránh né. Chogyam Trungpa Rinpoche nói:

    - Trở thành một chiến sĩ tâm linh có nghĩa là có thể đổi sự phấn đấu cho sự bảo đảm an ninh nhỏ nhen của ta để có một tri kiến rộng lớn hơn, đầy tính vô úy, khoáng đạt và anh hùng..6

---o0o--- 

THÔNG ĐIỆP CỦA VÔ THƯỜNG TRONG CÁI CHẾT CÓ NIỀM HY VỌNG 

    Hãy nhìn sâu thêm nữa vào vô thường, bạn sẽ thấy nó có một thông điệp khác, một bộ mặt khác, đầy hy vọng lớn lao, một thông điệp làm bạn mở mắt ra trước bản chất uyên nguyên của vũ trụ, và mối tương quan kỳ diệu của ta với nó. 

    Nếu mọi sự là vô thường, thì mọi sự là “không” (trống rỗng), nghĩa là không có một thực hữu nội tại, chắc chắn, trường cửu. Và mọi sự, khi được thấy và hiểu trong tương quan đích thực của nó, thì không phải là những thực thể độc lập mà hỗ tương lệ thuộc với mọi vật khác. Phật so sánh vũ trụ như một cái lưới rộng lớn dệt bằng vô số hạt châu chiếu sáng, mỗi hạt có vô số góc cạnh. Mỗi hạt châu phản chiếu vô số hạt khác trong lưới, và là một với những hạt khác. 

    Hãy nghĩ đến một làn sóng trên biển. Nhìn một cách, thì nó dường như có một thực thể riêng biệt, có đầu có cuối, có sinh có diệt. Nhưng nhìn cách khác, thì làn sóng chính nó không thực hữu mà chỉ là một dáng dấp của nước, nó “trống rỗng” hay không có lý lịch riêng, nhưng mà “đầy” nước. Vậy khi bạn thực sự nghĩ về làn sóng, bạn nhận ra 

7 rằng nó là một cài gì tạm thời có được nhờ gió và nước, và tùy thuộc vào một loạt những trường hợp luôn luôn thay đổi. Bạn cũng nhận ra rằng mỗi làn sóng đều có tương quan với mỗi làn sóng khác.  

    Không một thứ gì có một hiện hữu nội tại riêng nó, khi bạn thực tình nhìn kỹ. Và sự vắng mặt một hiện hữu biệt lập ấy ta gọi là “trống rỗng”. Hãy nghĩ đến một cái cây. Khi bạn nghĩ đến cái cây, bạn ưa nghĩ đến một sự vật được xác định rõ rệt, và ở một bình diện, nó quả có thực, như làn sóng nói trên. Nhưng khi bạn nhìn kỹ hơn vào cái cây, bạn sẽ thấy cuối cùng nó cũng không có hiện hữu biệt lập. Khi ngắm nhìn nó, bạn sẽ thấy nó tan biến vào một mạng lưới tương quan vô cùng vi tế trải dài suốt vũ trụ. Cơn mưa rơi trên lá cây, gió lay cành, đất nuôi dưỡng và nâng đỡ nó, bốn mùa và thời tiết, trăng sao và ánh mặt trời - tất cả đều là một phần của cái cây. Khi bạn khởi sự nghĩ về cái cây càng nhiều hơn nữa, bạn sẽ khám phá rằng mọi sự trong vũ trụ đều phụ lực để làm cho cây trở thành cái nó đang thành, rằng không một lúc nào nó có thể tách biệt nó ra khỏi những cái khác; rằng mọi lúc bản chất nó đang thay đổi một cách tinh tế. Đây là ý nghĩa khi chúng tôi bảo mọi sự là trống rỗng, không có hiện hữu độc lập. 

    Khoa học hiện nay cho ta biết phạm vi rộng lớn của những tương quan trong vũ trụ. Những nhà sinh môi biết rằng một cây cháy trong rừng Amazon bằng một cách nào đó, làm thay đổi bầu không khí mà một thị dân thủ đô Ba lê đang thở, và sự rung động của một cánh bướm ở Yucatan có ảnh hưởng tới đời sống của một trang trại vùng Hebrides. Những nhà sinh vật học bắt đầu khám phá cuộc luân vũ phức tạp ly kỳ của những nhiễm thể trong tế bào tạo nên cá tính và sự giống nhau, một cuộc luân vũ trải dài rất xa về quá khứ và chứng minh rằng mỗi sự gọi là “giống nhau” gồm rất nhiều ảnh hưởng khác nhau. Những nhà vật lý học thì giới thiệu chúng ta vào thế giới của lượng tử, một thế giới giống hệt một cách lạ lùng với thế giới mà Phật mô tả trong hình ảnh cái lưới châu ngọc (Phạm võng) trải khắp vũ trụ. Hệt như những hạt ngọc trong lưới ấy, mọi phân tử đều hiện hữu kể như những phối hợp khác nhau của những phân tử khác. 

    Bởi thế khi ta thực sự nhìn vào chính mình cùng những sự vậy chung quanh mà ta cho là chắc chắn bền bỉ, ta đều thấy chúng không thực gì hơn một giấc chiêm bao. Phật dạy: 

Hãy quán sát vạn pháp 
Như ảo tượng, lầu mây 
Như mộng, như hóa hiện, 
Có thấy, không thực chất 
Hãy quán sát vạn pháp 
Như bóng trăng phản chiếu 
Đáy hồ nước lặng trong 
Trăng chưa từng di chuyển. 
Hãy quán sát vạn pháp 
Như vang của âm thanh 
Tiếng nhạc và tiếng khóc 
Trong vang không điệu gì. 
Hãy quán sát vạn pháp 
Như huyễn sư tạo huyễn 
Đủ thứ ngựa, xe, bò 
Chỉ có tưởng, không thực 

    Sự quán tưởng tính chất mộng huyễn của thực tại không nhất thiết làm cho ta phải trở nên lạnh lùng, vô vọng hay cay đắng. Ngược lại, nó có thể mở ra trong ta một tính hài hước thân thiện, một lòng bi mẫn mà ta không ngờ mình cũng có, và do đó càng ngày tâm ta càng rộng rãi đối với mọi sự vật và hữu tình.Milarepa nói: 

    - Thấy được Tánh không, thì mở lòng thương xót. 

    Khi nhờ quán sát mà ta thực sự thấy được tánh không và tính hỗ tương lệ thuộc của mọi sự và chính mình, thì ta sẽ thấy thế giới dưới môt ánh sáng huy hoàng, tươi mát hơn, như cái lưới đan kết bằng vô số bảo châu phản chiếu nhau mà Phật đã mô tả. Khi ấy ta không cần phải tự che chở mình hay giả bộ, và ta sẽ dễ dàng thực hiện lời khuyên của một bậc thầy: 

    - Hãy luôn nhận chân tính mộng huyễn của cuộc đời để giảm bớt ái luyến và thù ghét. Hãy có tâm tốt đối với mọi loài. Có tâm thương xót, bất kể kẻ khác đối xử với bạn ra sao. Những gì người khác làm đối với bạn không quan trọng lắm, khi bạn xem như mộng huyễn. Cái mánh là, bạn phải có những ý định tốt trong giấc mộng. Đây là điểm cốt yếu. Đây đích thực là tu tâm. 

    Tu tâm đích thực cũng là ý thức được rằng nếu ta có tương quan mật thiết với mọi người mọi sự, thì ngay cả một ý nghĩ, lời nói, hành động nhỏ nhất của ta cũng có những hậu quả khắp vũ trụ. Hãy ném một hòn sỏi xuống ao nước. Nó liền có một rung động trên mặt nước, những làn sóng nhỏ lăn tăn tan hòa vào nhau và tạo thành những làn sóng mới. Mọi sự đều tương thuộc một cách chặt chẽ: Chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chịu trách nhiệm về mọi điều ta làm, nghĩ và nói, quả thế, có trách nhiệm về chính ta, về mọi người và mọi sự vật khác, cũng như với toàn thể vũ trụ. Đức Dalai Lama đã dạy: 

    - Trong cái thế giới hỗ tương lệ thuộc mật thiết này, những cá nhân và quốc gia không còn có thể tự giải quyết vấn đề riêng của họ được. Chúng ta cần đến nhau. Bởi thế ta phải phát huy một ý thức về trách nhiệm hỗ tương... Trách nhiệm của tập thể và của từng cá nhân là bảo vệ và nuôi dưỡng đại gia đình địa cầu, nâng đỡ những thành viên yếu kém, bảo trì và săn sóc môi trường sống của tất cả chúng ta. 

    Vô thường đã khải thị cho ta nhiều sự thật, nhưng còn một kho tàng cuối nó đang giữ, một kho tàng mà phần lớn bị che khuất dưới mắt chúng ta, ta không ngờ và cũng không nhận ra được, song lại là của ta một cách thân thiết nhất.  

    Thi sĩ Rainer Maria Rilke đã nói rằng những nỗi sợ sâu xa nhất của ta giống như những con rồng đang giữ kho tàng sâu kín nhất của ta. Cái nỗi sợ mà vô thường khơi dậy trong ta, theo đó không có gì là thực, không gì trường cửu, hóa ra lại là người bạn tốt nhất của ta, bởi vì nó giục ta đặt câu hỏi: Nếu mọi sự đều hủy diệt, thay đổi, thì cái gì là có thực? Có chăng một cái gì đằng sau mọi giả tưởng, một cái gì vô biên, khoáng đạt vô cùng, làm sân khấu cho cuộc luân vũ của vô thường chuyển biến? Có chăng một cái gì ta có thể nương tựa an trú, một cái gì sống lâu hơn cái mà ta gọi là cái chết? 

    Để cho câu hỏi ấy xâm chiếm ta một cách cấp thiết, tư duy về nó, ta sẽ dần dần thay đổi sâu xa lối nhìn của ta về mọi sự. Với sự liên tục quán tưởng và thực hành buông xả, ta sẽ thấy hiển lộ trong chính ta “một cái gì” ta không thể gọi tên, mô tả, đặt thành khái niệm, “một cái gì” mà ta khởi sự thấy đang nằm đằng sau mọi sự biến dịch chết chóc của thế giới. Khi ấy những dục vọng và giải trí thiển cận mà ta bị trói buộc vào do chấp thủ tính chất trường cửu - khởi sự tan biến và rơi rụng.8 

    Khi điều này xảy đến, ta thường thoáng thấy những hàm ẩn rộng lớn ở đằng sau sự thật về vô thường. Nó giống như suốt buổi ta đã bay trong một chiếc phi cơ luồng qua những đám mây đen vần vũ, rồi bỗng dưng phi cơ vút lên trên những tầng mây, bay vào một bầu trời trong sáng bao la. Được cảm hứng, vui mừng khi ngoi lên trong chiều không gian mới đầy tự do ấy, ta dần khám phá một niềm an lạc sâu xa, một niềm tự tin làm ta đầy ngạc nhiên sung sướng. Dần dần, phát sinh một niềm xác tín rằng “một cái gì” đó trong ta không gì phá hủy được, không gì làm thay đổi được, và không thể chết. Milarepa viết: 

Vì sợ chết tôi đi vào núi
Liên tục trầm tư về tính bất định của giờ chết, 
Bỗng bắt gặp thành trì bất tử, vô tận của tâm bản nhiên. 
Bây giờ tất cả nỗi sợ chết đều tan biến.

    Vậy, dần dần ta biết được trong ta có sự hiện diện của tự tính như bầu trời trong sáng mà Milarepa gọi là tâm bản nhiên, vốn bất tử và vô tận. Khi ý thức mới mẻ ấy trở nên sống động và gần như không gián đoạn, thì xảy ra cái mà Áo nghĩa thư gọi là “một sự xoay chiều của tâm thức” một khải thị có tính cách cá nhân, hoàn toàn không thể đặt tên, cho thấy ta là gì, tại sao ta ở đây, ta phải làm thế nào... Điều này cuối cùng, không khác gì một đời sống mới mẻ, một cuộc phục sinh. 

    Kỳ diệu thay, nhờ quán chân lý về vô thường một cách liên tục, không sợ hãi, mà dần dần ta thấy mình giáp mặt – trong niềm tri ân và hỉ lạc – với chân lý về bản chất bất biến, bất tử và vô tận của tâm. 

---o0o--- 

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

…I AM SORRY. PLEASE FORGIVE ME. I THANK YOU. AND I LOVE YOU…

 Nguồn : MayQ GO post https://www.facebook.com/MayQGo/posts/385065558710953

[Thiền của người Hawaii cổ - Ho’oponopono]

Bốn câu này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cũng gợi cảm giác cho người nghe muốn hát theo: “I am sorry. Please forgive me. I thank you. And I love you.” “Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi cám ơn. Và tôi yêu bạn.”
Bốn câu nói đáng yêu này, trong cuộc sống người ta cần nói với nhau thật nhiều, dĩ nhiên rồi. Tuy vậy, bốn câu này, khi chúng được đi cùng nhau và được khuyến khích lặp lại nhiều lần, chúng còn mang theo một sức mạnh tinh thần lớn hơn nhiều nữa: xoa dịu nỗi đau tinh thần, phá vỡ những trục trặc hiềm khích của những mối quan hệ, giúp chúng ta thoát khỏi những lúc bế tắc...
Bốn câu này không chỉ hiệu nghiệm cho bản thân mình mà còn thậm chí có thể chữa lành cho cả những người khác, nhưng không phải bạn tới gặp họ và… bắt họ đọc theo bạn bốn câu này. Bạn chỉ cần tìm một góc yên tĩnh, nghĩ về những người ấy, và bạn đọc/niệm trong lòng, hoặc hát lên bốn câu đó mà thôi.
 

 

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện tốt nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ngài Đại Sư Ấn Quang hết sức tán thán. Đại Sư Ấn Quang một đời cung kính ấn tống Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa, Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão Pháp sư Tịnh Không cũng đều khích lệ người đời "khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng".

Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho - Thích - Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cội rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.

 

ĐẠI SƯ ẤN QUANG KHUYÊN THỌ TRÌ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN TRỰC GIẢNG

(印光法师太上感應篇直講序)

Tính người vốn thiện, nhưng do đối cảnh gặp duyên, không gắng lòng kiểm soát, dần dần khởi niệm chấp trước, sinh tâm yêu ghét, khởi các loại tình kiến, bản tính bị mai một đều vì những thứ như thế cả. Thế nên, thánh nhân thời xưa rủ lòng thương ban lời dạy dỗ, kỳ vọng người đời theo đó mà làm, nhằm hồi phục cái tâm vốn thiện. Lời dạy tuy có nhiều, nhưng đều không ngoài việc “cách vật trí tri, minh minh đức, chỉ ư chí thiện”.

Thế nào gọi là “cách vật”? “Cách” nghĩa là đánh một trận kịch liệt, ví như một người đương đầu với vạn người vậy. “Vật” là chỉ những phiền não vọng tưởng, theo thế tục gọi là dục vọng của con người. Người muốn chiến đấu với phiền não vọng tưởng tất phải có ý chí cương quyết, không sợ hãi, thì mới mong có hiệu quả thực sự. Còn như để tâm xoay chuyển theo vật dục, thì sao có thể gọi là “cách vật” được?  Cái gọi là “trí” có nghĩa là mở rộng [tâm lượng] ra đến cùng cực. Còn “tri” chính là cái lương tri biết yêu thương cha mẹ, kính trọng bậc trưởng bối mà con người vốn sẵn có, chứ không phải do dạy, không phải do học mà có. Thông thường con người trong một ngày không thường xuyên kiểm soát phản tỉnh bản thân, để tâm xoay chuyển theo vật dục, đến nỗi đánh mất đi cái lương tri biết yêu thương cha mẹ và kính trọng bậc trưởng bối. Há còn mong mở rộng cái lương tri ấy đến khắp thảy vạn sự vạn vật, hàm dưỡng tự tâm của chính mình ư! Con đường mà Thánh nhân muốn người đời đi để đạt được cái đức sáng, đạt đến chỗ chí thiện, công phu căn bản nhất là phải bắt đầu từ “cách vật trí tri” mà làm. Không có gì diệu dụng hơn công phu này. Nhưng nếu muốn người thường theo đây mà tu trì, thì buộc phải có quy phạm chuẩn mực, mới hòng đạt được lợi ích. Tứ Thư, Ngũ Kinh chính là quy phạm chuẩn mực. Thế nhưng lời dạy trong những sách ấy mênh mông, tản mác, không có điểm hội tụ, khó mà có thể lĩnh hội được pháp. Những người không đọc sách nhiều sẽ càng vì lý do này mà không làm theo Kinh điển.

Sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên hàm nhiếp đầy đủ những lý luận về việc đón kiết, tránh hung, phước thiện, cho đến những đạo lý về mối họa dâm, lời kinh vang vọng đến thượng thiên, chấn động đại địa, hễ đọc đến tâm liền xúc động. Cái gì gọi là thiện? Cái gì gọi là ác? Người làm việc thiện sẽ được thiện báo thế nào? Kẻ làm điều ác sẽ bị ác báo ra sao? Hiểu rõ được căn nguyên rồi, nhìn người sẽ vô cùng thấu suốt. Còn có kẻ ngu không chịu làm thiện, mặc tình làm điều xấu ác, lại dùng cái tâm tự tư tự lợi xem đó là điều hiển nhiên. Ngược lại, nay ta đã biết, những kẻ tự tư tự lợi sẽ bị tổn hại lợi ích rất lớn, rước lấy đại tai ương, há còn dám không khuyến khích nhau làm điều lương thiện để mong thoát họa, gặp phước hay sao? Vì lẽ đó, đây là cuốn sách rất ích lợi cho người đời. Các vị đại Nho thời xưa đa phần đều dựa vào cuốn sách này mà tu hành.

Vào thời nhà Thanh, ở đất Trường Châu, có ông Trạng nguyên Bành Ngưng Chỉ, từ nhỏ đã phụng hành theo sách này, cho đến khi ông làm quan đến chức Thượng Thư rồi mà mỗi ngày cũng đều thọ trì đọc tụng. Ông còn biên ra để tặng cho người khác, lấy tên là “Bộ sách mà Tể Tướng và Trạng Nguyên đều phải đọc”. Ông còn chú thích rằng: “Chẳng có nghĩa là đọc sách này có thể làm Trạng Nguyên, Tể Tướng, nhưng làm Trạng Nguyên, Tể Tướng nhất quyết không thể không đọc sách này”. Tùy theo cách nhìn của người nhân, kẻ trí, thuận theo căn tính của mỗi người mà phát huy giá trị của sách đến mức thấu triệt. Luận theo lẽ cùng cực của sách, thì sẽ được thành Tiên. Nhưng nếu như dùng tâm đại Bồ-đề mà hành trì thì cũng có thể siêu phàm nhập Thánh, liễu thoát sinh tử, đoạn Tam Hoặc, chứng Pháp Thân, phước huệ viên mãn cho đến thành Phật đạo, huống hồ là quả nhỏ thành thần tiên.

Sách này được chú giải rất nhiều, nhưng chỉ có bản Tiên Chú của Nguyên Hòa Huệ Đống đời Thanh được xem là vô cùng tinh thâm, không phải là bậc hiền sĩ học cao hiểu rộng thì không thể đọc được. Ngoài ra còn có cuốn Vựng Biên, quả thật đây là cuốn sách dành cho người nho nhã lẫn kẻ bình dân, nhưng đối với phụ nữ và trẻ em thì văn từ e khó có thể lĩnh hội. Duy có sách Trực Giảng này có thể đem lại lợi ích cho hết thảy. Lời văn của sách Trực Giảng này tuy đơn sơ, nhưng cách dùng từ ưu mỹ, đơn sơ nhưng không thô kệch, dễ cảm động lòng người. Cư sĩ Hương Đào đã xuất tiền in ấn, quảng bá, cùng với sự trợ giúp của một vài vị cùng chung chí hướng, nguyện cuốn sách này được phổ biến ra khắp cõi hoàn vũ. Nếu có được vài người tu Thập Thiện, trong nhà vẹn tròn câu hiếu đễ, biết việc họa phúc là do con người tự rước lấy, việc thiện ác đều có báo ứng cả, thì có ai chịu làm ác để rước lấy họa đâu? Nếu nếp sống xã hội đều theo một quy tắc là làm thiện để được thiện báo, thì lễ nhượng sẽ hưng khởi, nhân dân an lạc, thiên hạ thái bình, vĩnh viễn sẽ không còn nạn can qua (chiến tranh). Nguyện những người có tài lực và trí lực, hoặc in ấn số lượng nhiều để lưu thông, hoặc thuyết pháp diễn giảng, khiến cho những người vẫn chưa mất đi lương tri càng cố gắng giữ lấy cái tâm thuần chân; còn đối với kẻ đã mất đi lương tri rồi sẽ mau chóng khôi phục lại cái tâm sẵn có ấy. Công đức ấy kể sao cho xiết!

Năm Mậu Thìn 1928.

 

KHAI KINH

Thái Thượng dạy rằng

Thiên Cảm Ứng này

Ngày tụng một biến

Diệt tội tiêu khiên

 

Trì tụng một tháng

Phúc lộc tràn đầy

Hành trì một năm

Thọ mạng dài lâu

 

Tin làm bảy năm

Thất tổ siêu thăng

Hành trì không mỏi

Dễ thành thánh đạo.

 

 

太上寶訓

感應之篇

日誦一遍

滅罪消愆

 

受持一月

福祿彌堅

行之一年

壽命綿延

 

信奉七年

七祖昇天

久行不倦

可成聖道

Dịch nghĩa:

Thiên Cảm Ứng này là lời dạy quý báu của Thái Thượng Lão Quân. Mỗi ngày đọc tụng một lần thì dứt tuyệt mọi tội lỗi. Thọ trì (hay trì tụng) một tháng thì phúc lộc càng bền. Tụng một năm thì thất tổ siêu thăng cõi trời. Trì tụng không bê trễ thì lâu dài có thể thành tựu Thánh đạo.

 

CHƯƠNG 1: MINH NGHĨA

太 上 曰: 禍 福 無 門 惟 人 自 召. 善 惡 之 報 如 影 隨 形

Thái Thượng viết:  Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu. Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình.

Thái Thượng Ngài đã dạy

Họa phúc vốn không cửa

Lòng người chiêu cảm thôi.

Quả báo thiện hay ác

Như bóng theo sát hình

Hình ngay thì bóng thẳng.

 

CHƯƠNG 2: GIÁM SÁT

是 以, 天 地 有 司 過 之 神, 依 人 所 輕 重 以 奪人 算.

Thị dĩ, thiên địa hữu Tư Quá chi Thần, y nhân sở khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán.

Trời đất có vị thần

Giám sát về tội lỗi

Tùy tội nặng hay nhẹ

Định thọ mạng ngắn dài.

 

算 減 則 貧 耗, 多逢 憂 患, 人 皆 惡 之, 刑 禍 隨 之, 吉 慶 避 之, 惡 星 災 之, 算 盡 則 死.

Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tị chi, ác tinh tai chi, toán tận tắc tử.

Thọ mạng bị tổn giảm

Ắt gặp cảnh nghèo cùng

Chiêu cảm nhiều hoạn nạn

Sống không thể ung dung.

Người người đều oán ghét

Khó tránh khỏi hình tai

Điều lành liền xa lánh

Sao xấu mang họa đến

Mạng hết chết cận kề.

 

又 有 三 台 北 斗 神君, 在 人 頭 上, 錄 人 罪 惡, 奪 其 紀 算.

Hựu hữu Tam Thai Bắc Đẩu Thần Quân, tại nhân đầu thượng, lục nhân tội ác, đoạt kỳ kỷ toán.

Lại có thần Tam Thai

Giám sát về tuổi thọ

Cùng Bắc Đẩu thần quân

Chiếu xét tội lỗi người.

Ngự trên đầu thế nhân

Ghi chép hết thảy tội

Mạng theo đó mà giảm

Một kỷ mười hai năm

Một toán cả trăm ngày.

 

又 有 三 尸 神 在 人身 中, 每 到 庚 申 日, 輒 上 詣 天 曹, 言 人 罪 過.

Hựu hữu Tam Thi Thần tại nhân thân trung, mỗi đáo Canh Thân nhật, triếp thướng nghệ Thiên Tào, ngôn nhân tội quá.

Tam Thi thần trong thân 

Ngày Canh Thân báo cáo

Tâu Ngọc Hoàng Thượng Đế

Tội lỗi của người đời.

 

月晦之日, 灶神亦然.

Nguyệt hối chi nhật, Táo Thần diệc nhiên.

Đến cuối mỗi tháng qua

Táo Quân ngài cũng vậy

Tấu trình tại Thiên Tào

Bẩm báo việc trần gian.

 

凡人有過, 大則奪紀, 小則奪算.

Phàm nhân hữu quá, đại tắc đoạt kỷ, tiểu tắc đoạt toán.

Phàm những ai có tội

Nặng trừ mười hai năm

Nhẹ giảm một trăm ngày

Gieo nhân nào quả nấy.

 

其過大小有數百事. 欲求長生者, 先須避之.

Kỳ quá đại tiểu, hữu sổ bách sự. Dục cầu trường sinh giả, tiên tu tỵ chi.

Hết thảy các tội lỗi

Lớn nhỏ hàng mấy trăm

Vì thế muốn sống lâu

Phải tránh xa tội lỗi.

 

CHƯƠNG 3: TÍCH THIỆN

是道則進, 非道則退. 不履邪徑. 不欺暗室.

Thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái. Bất lý tà kính. Bất khi ám thất.

Phàm sự việc ở đời

Hợp với lẽ thì tiến

Trái đạo phải tránh xa.

Đường tà không thể bước.

Dù phòng kín không người

Tà niệm quyết chẳng khởi.

 

積德累功. 慈心於物. 忠孝友悌. 正己化人.

Tích đức lũy công. Từ tâm ư vật. Trung, hiếu, hữu, đễ. Chính kỷ hóa nhân.

Phải tích công bồi đức

Thương yêu cả muôn loài

Trung thành với tổ quốc

Hiếu thảo với mẹ cha

Anh thương và em kính

Thảy bắt đầu nơi ta

Mình phải làm được trước

Mới mong cảm hóa người.

 

 

矜孤恤寡.敬老懷幼. 昆蟲草木, 猶不可傷.

Căng cô tuất quả.  Kính lão hoài ấu.  Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương.

Cô nhi và quả phụ

Nên cứu giúp xót thương.

Trên kính bậc lão thành

Dưới bảo ban trẻ nhỏ.

Thấy côn trùng cây cỏ

Không tổn hại sát thương.

 

宜憫人之凶. 樂人之善. 濟人之急. 救人之危.

Nghi mẫn nhân chi hung. Lạc nhân chi thiện. Tế nhân chi cấp. Cứu nhân chi nguy.

Thấy người làm điều ác

Tâm khởi niệm xót thương

Thấy người làm việc lành

Mình sinh tâm hoan hỷ.

Cứu người khi cấp bách

Giúp người lúc khó khăn.

 

見人之得如己之得. 見人之失如己之失.

Kiến nhân chi đắc như kỷ chi đắc. Kiến nhân chi thất như kỷ chi thất.

Nhìn thấy người thành công

Vui như mình làm được.

Khi thấy người thất bại

Mình cũng buồn khác chi.

 

不彰人短, 不衒己長.

Bất chương nhân đoản, bất huyễn kỷ trường.

Không nên bàn khuyết điểm

Chỗ kém cỏi của người.

Khoe khoang tài năng mình

Đó là việc nên tránh

 

遏惡揚善. 推多取少.

Át ác dương thiện. Thôi đa thủ thiểu.

Ngăn chặn người làm ác

Tuyên dương việc thiện lành.

Phần hơn dành cho người

Ít riêng mình giữ lấy.

 

受辱不怨. 受寵若驚. 施恩不求報. 與人不追悔.

Thụ nhục bất oán. Thụ sủng nhược kinh. Thi ân bất cầu báo. Dữ nhân bất truy hối.

Chịu nhục vẫn không oán

Được người trọng thì lo.

Thi ân không cầu báo

Cho người chớ hối tiếc.

 

CHƯƠNG 4: THIỆN BÁO

所為善人, 人皆敬之, 天道佑之, 福綠隨之, 眾邪遠之, 神靈衛之, 所作必成, 神仙可冀.

Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi, phúc lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, thần linh vệ chi, sở tác tất thành, thần tiên khả ký.

Người tích đức hành thiện

Mọi người đều kính nể

Trời phù hộ cho họ

Phúc lộc thảy đừng lo

Không cầu mà tự đến.

Tà thần và ác quỷ

Tất sẽ tự tránh xa

Thần linh luôn bảo hộ

Vạn sự ắt vẹn toàn

Cho đến thành Thần Tiên

Mình có thể làm được.

 

欲求天仙者, 當立一千三百善. 欲求地仙者, 當立三百善.

Dục cầu thiên tiên giả, đươnglập nhất thiên tam bách thiện.

Dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện.

Nếu muốn làm thiên tiên

Nghìn ba trăm điều thiện.

Nếu muốn làm địa tiên

Cần ba trăm việc lành.

 

CHƯƠNG 5

CHƯ ÁC (PHẦN THƯỢNG)

苟或非義而動, 背理而形, 以惡為能, 忍作殘害, 陰賊良善

Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bối lý nhi hành, dĩ ác vi năng, nhẫn tác tàn hại, âm tặc lương thiện.

Ác là việc phi nghĩa

Trái đạo, trái lương tâm

Dùng thủ đoạn độc ác

Cho đó là tài năng.

Nhẫn tâm và tàn bạo

Mưu toan hại người hiền.

 

暗辱君亲, 慢其先生, 叛其所事, 誑諸無識, 謗諸同學

Ám vũ quân thân, mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự, cuống chư vô thức, báng chư đồng học.

Thầm khinh khi cha mẹ

Bất kính với thầy cô

Bất trung với chức phận

Gạt gẫm người ngây ngô

Chê bai bạn đồng học.

 

虛誣詐偽攻訐宗親, 剛強不仁, 狠戾自用, 是非不當, 向背乖宜.

Hư vu trá  ngụy,  công  yết  tông  thân,  cương  cường  bất  nhân, ngận  lệ  tự dụng, thị phi bất đang, hướng bối quai nghi.

Xảo trá và hư ngụy

Công kích cả họ hàng

Cang cường, vô nhân đạo

Hiểm ác đến bạo tàn.

Bất chấp lẽ đúng sai

Hành xử không thích đáng.

 

虐下取功, 諂上希旨

Ngược hạ thủ công, siểm thượng hy chỉ.

Ngược đãi và cướp công

Của những kẻ dưới quyền

Nịnh hót người bề trên

Đón ý để trục lợi.

 

受恩不感, 念怨不休.

Thụ ân bất cảm, niệm oán bất hưu.

Thọ ân không biết cảm

Gặp oán mãi ôm lòng.

 

輕蔑天民, 擾亂國政.

Khinh miệt thiên dân, nhiễu loạn quốc chính.

Không vì nước vì dân

Mà sinh tâm khinh miệt

Dựng chuyện làm nhiễu loạn

Nền chính trị nước nhà.

 

賞及非義, 刑及無辜, 殺人取財, 傾人取位, 誅降戮服.

Thưởng cập phi nghĩa, hình cập vô cô, sát  nhân  thủ  tài,  khuynh  nhân  thủ  vị,  tru  hàng  lục  phục.

Khen thưởng kẻ phi nghĩa

Trừng phạt người vô can

Giết người hòng đoạt của

Sát hại kẻ đầu hàng

Mưu hại người mất chức

Chiếm đoạt địa vị người.

 

貶正排賢, 陵孤逼寡, 棄法受賂, 以直為曲, 以曲為直, 入輕為重

Biếm chính bài hiền, lăng cô bức quả, khí pháp thọ lộ, dĩ trực vi khúc, dĩ khúc vi trực, nhập khinh vi trọng.

Hãm hại người chính trực

Bài xích người hiền lương

Lăng nhục kẻ cô nhi

Bức hại người góa bụa

Bất chấp các luật lệ

Nhận hối lộ của người

Điều thẳng cho là cong

Cong thì cho là thẳng

Lỗi nhẹ thì xét nặng

Khiến người chịu hàm oan.

 

見殺加怒, 知過不改, 知善不為, 自罪引他

Kiến sát gia nộ, tri quá bất cải, tri thiện bất vi, tự tội dẫn tha.

Thấy kẻ sắp thụ hình

Không xót còn sân nộ

Biết lỗi vẫn không sửa

Thấy điều thiện chẳng làm

Mình đã mắc tội rồi

Còn liên lụy người khác.

 

壅塞方術

Ung tắc phương thuật.

Tài năng và pháp hay

Đem lợi ích cho đời

Nếu mình đã học rồi

Nên mau đi truyền bá

Cản trở người truyền bá

Tâm lượng ấy hẹp hòi.

 

訕謗聖賢, 侵陵道德

Sán báng thánh hiền, xâm lăng đạo đức.

Phỉ báng bậc Thánh Hiền

Hãm hại người đạo đức.

 

 

射飛逐走, 發蟄驚棲, 填穴覆巢, 傷胎破卵

Xạ  phi  trục  tẩu,  phát  trập kinh  thê,  điền  huyệt  phúc  sào,  thương  thai  phá  noãn.

Dùng tên nhọn săn đuổi

Chim, thú thảy kinh hoàng.

Phá nát cả tổ hang

Côn trùng trong gò đất.

Rung cây chim hoảng sợ

Không còn chỗ tựa nương.

Nhẫn tâm lấp ổ hang

Tổ chim bị lật úp

Phá thai và hại trứng

Còn tội ác nào hơn.

 

願人有失, 毀人成功

Nguyện nhân hữu thất, hủy nhân thành công.

Mong nhìn thấy khuyết điểm

Và thất bại của người

Nhìn thấy việc sắp thành

Tìm mọi cách hủy hoại.

 

危人自安, 減人自益

Nguy nhân tự an, giảm nhân tự ích.

Hại người khác lâm nguy

Để cho mình an ổn

Khiến người khác hao tốn

Hòng trục lợi cho mình.

 

以惡易好

Dĩ ác dịch hảo

Mua bán trao đổi hàng

Đem xấu tráo cái tốt.

 

以私廢公

Dĩ tư phế công.

Vì ân oán riêng tư

Phế bỏ điều công đạo.

 

竊人之能, 蔽人之善

Thiết nhân chi năng, tế nhân chi thiện.

Tài năng của người khác

Trộm lấy làm của mình

Còn thiện hạnh của người

Tìm mọi cách dìm lấp.

 

形人之醜, 訐人之私

Hình nhân chi xú, kiết nhân chi tư.

Thấy người có điều xấu

Phô bày và rêu rao

Việc riêng tư của người

Bới móc rồi truyền rao.

 

耗人貨財

Hao nhân hóa tài

Tài vật của người khác

Làm phung phí tiêu hao.

離人骨肉

Ly nhân cốt nhục.

Phá hoại tình cốt nhục

Làm người thân chia ly

Tương tàn hay bất hòa

Đó là điều cực ác.

 

侵人所愛

Xâm nhân sở ái.

Đồ vật người yêu quý

Nghĩ mọi cách đoạt xâm

Chiếm làm của riêng mình

Nào khác gì cường đạo.

 

助人為非, 逞志作威, 辱人求勝

Trợ nhân vi phi, sính chí tác oai, nhục nhân cầu thắng.

Thấy kẻ làm bất chính

Còn giúp sức một tay.

Gặp được thời vận may

Mặc tình làm mưa gió

Hủy nhục người để mong

Phần thắng cho riêng mình.

 

敗人苗稼

Bại nhân miêu giá.

Người nông phu cực khổ

Cây lúa mới trổ bông

Không biết tiếc công trồng

Còn sinh tâm phá hoại.

 

破人婚姻

Phá nhân hôn nhân.

Hôn nhân, duyên đã định

Vì tham sắc, tư thù

Chiếm đoạt hoặc chia ly

Trời không dung việc ấy.

 

苟富而驕

Cẩu phú nhi kiêu.

Kẻ tiểu nhân mới phất

Vội nghênh mặt với người

Việc làm thiếu lễ này

Là điềm làm tổn phước.

 

苟免無恥

Cẩu miễn vô sỉ.

Kẻ mắc lỗi phạm tội

May mắn được thoát thân

Không một chút ăn năn

Vẫn chứng nào tật nấy.

 

認恩推過, 嫁禍賣惡

Nhận ân thôi quá, giá họa mại ác.

Ân đức người bố thí

Mạo nhận làm của mình

Mình làm chuyện bất lương

Thì gán cho người khác.

 

沽買虛譽

Cô mãi hư dự.

Năng lực vốn không có

Dùng tiền bạc để mua

Vô sỉ cầu hư danh

Còn mong người tán thưởng.

 

包貯險心

Bao trữ hiểm tâm.

Lòng người vốn nham hiểm

Mặt tỏ vẻ thiện lương

Nụ cười nở trên môi

Dao sắc giấu trong lòng.

 

挫人所長, 護己所短

Tỏa nhân sở trường, hộ kỷ sở đoản.

Đối với người tài năng

Mình chủ tâm mai một

Cái dở của bản thân

Trăm phương nghìn cách giấu.

 

乘威迫脅, 縱暴殺傷

Thừa oai bách hiếp, túng bạo sát thương.

Lợi dụng thế lực lớn

Ức hiếp đày đọa người

Dung túng kẻ ác nhân

Tổn hại người vô tội.

 

無故剪裁

Vô cố tiễn tài.

Áo quần dùng che thân

Công người may vất vả

Mặc rách thì nên vá

Chớ lãng phí xa hoa.

 

非禮烹宰

Phi lễ phanh tể. 

Loài vật có sinh mạng

Cũng trân quý như mình

Trời có đức hiếu sinh

Ta mặc tình nung nấu.

 

散棄五穀

Tán khí ngũ cốc.

Thời xưa đấng thiên tử

Còn tự mình canh nông

Nay ngũ cốc gieo trồng

Ta nỡ nào lãng phí.

 

勞擾眾生

Lao nhiễu chúng sinh.

Những công trình kiến trúc

Đừng lao dịch nhân dân

Xây cung điện nguy nga

Riêng mình vui hưởng lấy.

 

破人之家取其財寶

Phá nhân chi gia, thủ kỳ tài bảo.

Giàu nghèo vốn sẵn mệnh

Của phi nghĩa giàu đâu

Tham tài mưu hại người

Di họa đến đời sau.

 

決水放火以害民居

Quyết thủy phóng hỏa, dĩ hại dân cư.

Thủy tai cùng hỏa tai

Người dân ai cũng sợ

Hiểu được điều này rồi

Không phóng hỏa đốt nhà.

Đê điều xin chớ phá.

 

紊亂規模以敗人功

Vặn loạn qui mô dĩ bại nhân công.

Sự nghiệp người gây dựng

Vốn đã sẵn quy mô

Gây rối loạn nhiễu nhương

Mong công người sụp đổ.

 

損人器物以窮人用

Tổn nhân khí vật dĩ cùng nhân dụng.

Phá hỏng các công cụ

Khiến người không thể dùng

Tâm địa nhỏ nhen ấy

Trời đất ắt khó dung.

 

見他榮貴願他流貶, 見他富有願他破散

Kiến tha vinh quý nguyện tha lưu biếm, kiến tha phú hữu nguyện tha phá tán.

Nhìn thấy người vinh hiển

Mong cho bị lưu đày

Nhìn thấy người giàu sang 

Cầu mong cho tàn mạt

Nào đâu hay phước báo

Do tu tích khi xưa

Không làm thiện đời này

Đời sau làm sao hưởng?

 

見他色美起心私之

Kiến tha sắc mỹ khởi tâm tư chi.

Nhìn thấy người nhan sắc

Tâm ắt khởi lòng tà

Cổ nhân đã dạy ta

Vạn ác dâm số một

Thế nên phải cẩn trọng.

Ngay ở chỗ không người

Khởi một niệm tà thôi

Quỷ thần đều biết rõ.

Phòng sắc như phòng cọp

Ấy đáng bậc trượng phu.

 

負他貨財願他身死

Phụ tha hóa tài nguyện tha thân tử.

Lúc mình gặp khó khăn

Mượn tài vật của người

Đến lúc khấm khá rồi

Khởi tâm tham không trả.

Bởi không tin nhân quả

Mong người chóng chết đi

Nào biết có luân hồi

Làm trâu bò trả nợ.

 

干求不遂便生咒恨

Can cầu bất toại tiện sinh chú hận.

Bậc chí nhân quân tử

Tâm ít muốn không cầu

Vui với thú thanh tao

Không oán nên thường lạc.

Kẻ tiểu nhân bạc ác

Tâm đa dục đa cầu

Nếu không thỏa tham cầu

Trở mặt sinh lòng oán.

 

見他失便便說他過

Kiến tha thất tiện tiện thuyết tha quá.

Thế gian ai hoàn mỹ

Không mắc lỗi phạm sai

Thấy chỗ người kém khuyết

Chớ chỉ trích vội vàng

Trước hãy nên phản tỉnh

Mình từng phạm lỗi chưa

Dùng lòng tha thứ mình

Mà khoan dung người khác.

 

見他體相不具而笑之

Kiến tha thể tướng bất cụ nhi tiếu chi.

Xem thấy người lùn xấu

Tướng mạo chẳng vẹn toàn

Khiếm khuyết hết ngũ quan

Phải sinh tâm thương xót.

Bằng chế giễu nhạo báng

Cười cũng chẳng được lâu

Đời này và đời sau

Gieo nhân gì quả đó.

 

見他才能可稱而抑之

Kiến tha tài năng khả xưng nhi ức chi.

Thấy người có tài năng

Không sinh tâm hoan hỷ

Ngược lại còn đố kỵ

Mưu kế đè ép người

Tài năng ấy chôn vùi

Không được ra thi thố.

 

CHƯƠNG 6

CHƯ ÁC (PHẦN HẠ)

 

埋蠱厭人

Mai cổ yếm nhân

Dùng bùa ngải tà thuật

Yểm chú hãm hại người

Tội nghiệt ấy tày trời

Đời sau đọa địa ngục.

 

用藥殺樹

Dụng dược sát thụ.

Thực vật như động vật

Đều cũng có tánh linh

Ta phải biết yêu thương

Không mặc tình dẫm đạp.

Trăm năm cây cổ thụ

Hấp tinh hoa đất trời

Phun thuốc diệt cây rồi

Tâm từ bị tổn mất.

 

恚怒師傅

Khuể nộ sư phó.

Với lời thầy răn dạy

Không cung kính tiếp thu

Mà giận quá hóa thù

Đấy là phường bất tiếu[1].

 

抵觸父兄

Để xúc phụ huynh.

Bất hiếu với cha mẹ

Xung đột với người trên

Ngỗ nghịch chẳng nể tình

Người trời đều trừng phạt.

 

強取強求.

Cưỡng thủ cưỡng cầu.

Tâm ỷ mạnh hiếp yếu

Cưỡng đoạt tài vật người.

Bất chấp lý và tình

Chính là phường cướp bóc.

 

好侵好奪, 擄掠致富

Háo xâm háo đoạt, lỗ lược trí phú.

Kẻ tham danh hám lợi

Chỉ muốn đoạt của người

Để có được giàu sang

Cướp người hòng đoạt của.

 

巧詐求遷, 賞罰不平

Xảo trá cầu thiên, thưởng phạt bất bình.

Dùng thủ đoạn xảo trá

Mong thăng tiến chức quan

Khi được tước vọng rồi

Thưởng phạt không công chính.

 

逸樂過節

Dật lạc quá tiết.

Phóng dật và hưởng lạc

Quá độ sẽ sinh bi

Lộc tận thì nhân vong

Phước chớ nên hưởng hết.

 

荷虐其下

Hà ngược kỳ hạ.

Đối người hầu, cấp dưới

Chớ ngược đãi bạo hành

Lời ân cần khuyên dạy

Họ không dễ phản mình.

 

恐嚇於他

Khủng hách ư tha.

Người gặp lúc sợ lo

Ta an ủi vỗ về

Chớ thừa cơ khủng bố

Nhân đức thảy còn đâu!

 

怨天尤人

Oán thiên vưu nhân.

Gặp việc không như ý

Chớ oán trời trách người

Phước phận mỏng nơi mình

Do nhân xưa đã tạo.

 

呵風罵雨

Ha phong mạ vũ.

Tiết trời xấu hoặc tốt

Mưa thuận hay gió hòa

Ắt do ở tâm ta

Chớ oán mưa giận gió.

 

鬥合爭訟

Đấu hợp tranh tụng.

Gây tạo chuyện thị phi[2]

Để hai bên thưa kiện

Mình đứng giữa trục lợi

Trời cao ắt khó dung.

 

妄逐朋黨

Vọng trục bằng đảng.

Mưu mô lập băng đảng

Mong nước loạn tranh quyền

Đâu hay xã tắc biến

Nhà mình cũng chẳng yên.

 

用妻妾語違父母訓

Dụng thê thiếp ngữ vi phụ mẫu huấn.

Nghe lời của thê thiếp

Như mật ngọt rót tai

Lời cha mẹ dạy ta

Lại mặc tình làm trái

Phận làm con lỗi đạo

Sao tránh khỏi tai ương!

 

 

得新忘故

Đắc tân vong cố.

Bạn hữu thuở hàn vi

Giữ vẹn tình sau trước

Nghĩa tào khang chung thủy

Có trăng chớ quên đèn.

 

口是心非

Khẩu thị tâm phi.

Quân tử và tiểu nhân

Hình dung tuy chẳng khác

Khác ở chỗ dụng tâm

Quang minh hay ám muội.

Người quân tử chính trực

Lời nói để lợi người

Miệng Phật mang tâm xà

Là tiểu nhân gian ác.

 

貪冒於財, 欺罔其上

Tham mạo ư tài, khi võng kỳ thượng.

Thân làm quan phụ mẫu

Bóc lột nhũng nhiễu dân

Dối gạt đến quân vương

Lưới trời e khó thoát.

 

造作惡語

Tạo tác ác ngữ.

Miệng người dễ phạm lỗi

Ác khẩu bịa đặt lời

Lưỡi ác nghiệt hại người

Không xương như dao sắc.

 

讒毀平人, 毀人稱直, 罵神稱正,

Sàm hủy bình nhân, hủy nhân xưng trực, mạ thần xưng chính.

Hủy báng và hại người

Lại cho mình chính trực.

Mạo phạm cả thần linh

Tự nhận mình ngay thẳng.

 

棄順效逆, 背親向疏

Khí thuận hiệu nghịch, bối thân hướng sơ.

Bỏ thuận đi theo nghịch

Trái đạo lý luân thường

Cốt nhục chẳng hề thương

Với người thì hậu hỹ.

 

指天地以證鄙懷, 引神明而鑒猥事.

Chỉ thiên địa dĩ chứng bỉ hoài, dẫn thần minh nhi giám ổi sự.

Tâm tính chuyện trái, sai

Thân làm chuyện tồi tệ

Còn cầu trời và thần

Chứng giám cho việc đó.

Đã ôm lòng bất chính

Đất trời nào chứng cho.

施與後悔, 假借不還

Thí dữ hậu hối, giả tá bất hoàn.

Bố thí cho người rồi

Lòng lại sinh hối hận.

Mượn tài vật không trả

Đời sau đội sừng đền.

 

分外營求, 力上施設

Phận ngoại doanh cầu, lực thượng thi thiết.

Người không biết an phận

Hướng ngoại vọng tâm cầu

Đâu hay vạn pháp kia

Thảy đều do tâm tạo.

 

淫欲過度

Dâm dục quá độ.

Kẻ dâm dục quá độ

Tinh khí thảy đều suy

Sinh con ra ngu đần

Còn tổn thương âm đức.

 

心毒貌慈

Tâm độc mạo từ.

Lòng dạ vốn nham hiểm

Ngoài mặt giả hiền từ

Khác nào loài hổ lang

Độc thua gì rắn rết.

 

穢食餧人

Uế thực ủy nhân.

Thức ăn không tinh sạch

Gây mầm bệnh cho người

Nếu tặng hoặc bán đi

Hại người mình tổn đức.

 

左道惑眾

Tả đạo hoặc chúng.

Dùng bàng môn tà đạo

Yêu thuật mê hoặc người

Luật trời ắt khó dung

Chết đọa ba đường khổ.

 

短尺狹度, 輕秤小升, 以偽雜真, 採取姦利

Đoản xích hiệp độ, khinh xứng tiểu thăng. Dĩ ngụy tạp chân, thải thủ gian lợi.

Kẻ buôn gian bán thiếu

Làm hàng giả gạt người

Tạm chiếm tiện nghi thôi

Âm Ty định sẵn tội.

 

壓良為賤, 謾驀愚人

Áp lương vi tiện, mạn mạch ngu nhân.

Ép bức người lương thiện

Làm kỹ nữ thanh lâu

Dùng kế hiểm mưu sâu

Lừa người dân khờ khạo.

Tội ấy trái thiên đạo

Chết nào thoát ba đường.

 

貪婪無厭

Tham lam vô yếm.

Dục vốn là hố sâu

Kẻ tham không biết chán

Tội lớn bởi nhiều dục

Họa lớn do đa cầu.

 

咒詛求直

Chú trớ cầu trực.

Chứng minh mình vô tội

Cầu phần thắng cho mình

Đối trước đấng thần minh

Thề láo mình ngay thẳng.

 

嗜酒悖亂

Thị tửu bội loạn.

Đức Phật chế năm giới

Rượu là giới sau cùng

Người ham mê rượu thịt

Khó tránh sát, đạo, dâm.

 

骨肉忿爭

Cốt nhục phẫn tranh.

Huynh đệ như tay chân

Gà cùng chung một mẹ

Môi hở thì răng lạnh

Sao nỡ giận, tranh nhau!

 

男不忠良,女不柔順,不和其室,不敬其夫

Nam bất trung lương, nữ bất nhu thuận, bất hòa kỳ thất, bất kính kỳ phu.

Trai bất trung bất nghĩa

Gái chẳng kính thuận chồng

Gia đình không hòa khí

Gia đạo chẳng thể hưng!

 

每好矜誇,常行妒忌

Mỗi háo căng khoa, thuờng hành đố kỵ.

Quẻ Khiêm trong Kinh Dịch

Sáu hào đều cát tường

Người kiêu căng, đố kỵ

Không phải bậc hiền lương.

 

無行於妻子,失禮於舅姑

Vô hạnh ư thê tử, thất lễ ư cữu cô.

Làm chồng thiếu đức hạnh

Phụ bạc nghĩa vợ chồng

Làm vợ lại vô nghì

Cha mẹ chồng chẳng kính.

 

輕慢先靈

Khinh mạn tiên linh.

Khâm liệm không như lễ

Cúng tế chẳng chí thành

Tổ tiên dù đã khuất

Anh linh vẫn thường quanh.

 

違逆上命

Vi nghịch thượng mệnh.

Lệnh của mẹ cha ban

Cùng lời thầy cô dạy

Là muốn ta nên người

Tránh không làm nghịch ý.

 

作為無益

Tác vi vô ích.

Đời người vốn ngắn tạm

Nên biết việc cần làm

Sống làm điều vô ích

Uổng một kiếp nhân gian.

 

懷挾外心

Hoài hiệp ngoại tâm.

Đã ôm lòng dối gạt

Đâu cần đợi thân làm

Vừa khởi tâm động niệm

Tội đã ghi rõ ràng.

 

自咒咒他

Tự chú chú tha.

Thường tự mình thề thốt

Nguyền mình và rủa người

Dù thọ mạng chưa hết.

Ác báo sắp đến rồi.

 

偏憎偏愛

Thiên tăng thiên ái.

Nếu có lòng thiên lệch

Yêu ghét chẳng công bằng

Dễ tạo sai lầm lớn

Bất hòa với người thân. 

 

越井越灶, 跳食跳人

Việt tỉnh việt táo, khiêu thực khiêu nhân.

Không bước qua giếng, bếp.

Giếng vốn có vị Thần

Bếp có ngài Táo Quân

Xin chớ có mạn khinh.

Với thức ăn cũng vậy

Không thể dẫm đạp lên

Thân hình người cũng thế

Chân không đặt lên trên.

 

損子墮胎

Tổn tử đọa thai.

Hổ lang tuy hung dữ

Chẳng ăn thịt con mình

Phá thai và giết trẻ

Cốt nhục chớ đoạn tình.

 

行多隱僻

Hành đa ẩn tích.

Gian trá và tà dâm

Là hành vi ám muội

Dù làm trong phòng tối

Mắt Thần vẫn sáng soi.

 

晦臘歌舞

Hối lạp ca vũ.

Cuối tháng và Ngũ Lạp[3]

Thiên Thần kiểm lỗi lầm

Dương gian nên tránh việc

Ca múa động nhân tâm.

 

朔旦號怒

Sóc đán hào nộ.

Than khóc và phẫn nộ

Vốn là việc không nên

Tránh đầu tháng đầu năm

Hoặc bình minh buổi sớm.

 

對北涕唾及溺

Đối bắc thế thóa cập niệu.

Hướng Bắc có sao Đẩu

Nơi ngự của thần linh

Chớ hướng về phương này

Khạc nhổ, đại tiểu tiện.

 

對灶吟詠及哭, 又以灶火燒香, 穢柴作食

Đối táo ngâm vịnh cập khốc, hựu dĩ táo hỏa thiêu hương, uế sài tác thực.

Bếp nhà có TáoThần

Giám sát tội lỗi người

Không khóc, vịnh, xướng ca

Đốt hương trên bếp lửa

Củi bẩn không tinh khiết

Không được dùng nấu ăn.

 

夜起裸露

Dạ khởi lõa lộ

Thần Dạ Du ban đêm

Đi tuần tra khảo sát

Ăn mặc phải kín đáo

Ngủ không để lõa lồ.

 

八節行刑

Bát tiết hành hình.

Vào những ngày Bát Tiết[4]

Trai giới, chuyên làm lành

Tránh không được hành hình

Và tạo thêm nghiệp sát.

 

唾流星, 指紅霓, 輒指三光, 久視日月

Thóa lưu tinh, chỉ hồng nghê, triếp chỉ tam quang, cửu thị nhật nguyệt.

Trong vũ trụ bao la

Đều có thần cai quản

Tỏ lòng thành cung kính

Tránh làm các việc sau:

Khạc nhổ hướng sao băng

Tay chỉ trỏ cầu vồng

Chỉ nhật, nguyệt, tinh tú

Chăm chú nhìn mặt trăng.

 

春月燎獵

Xuân nguyệt liệu liệp.

Xuân về vạn vật sinh

Kiêng tránh việc đốt rừng

Săn bắn là tội ác

Hại muôn loài sinh linh.

 

對北惡罵

Đối bắc ác mạ.

Tâm có điều phẫn nộ

Phát tiết thóa mạ người

Hướng phương Bắc trút giận

Thần Bắc Đẩu trên trời.

 

無故殺龜打蛇

Cô cố sát quy đả xà.

Chớ vô duyên vô cớ

Giết hại rắn và rùa

Sinh mạng phải trân quý

Cẩn trọng chớ sát thương.

 

CHƯƠNG 7: ÁC BÁO

如是等罪, 司命隨其輕重, 奪其紀算.

Như  thị  đẳng  tội,  Tư Mệnh tùy  kỳ  khinh  trọng,  đoạt  kỳ  kỷ  toán.

Những việc ác kể trên

Tùy tội nặng hay nhẹ

Tư Mệnh Thần định đoạt

Phán thọ mạng ngắn dài.

 

算盡則死. 死有餘責, 乃殃及子孫.

Toán tận tắc tử. Tử hữu dư trái, nãi ương cập tử tôn.

Cái chết đã gần kề

Tội kia chưa trả hết

Thì sẽ di hại đến

Con cháu ở đời sau.

 

又諸橫取人財者, 乃計其妻子家口以當之, 漸至死喪

Hựu chư hoạnh thủ nhân tài giả, nãi kế kỳ thê tử gia khẩu dĩ đương chi, tiệm chí tử táng.

Dùng thế lực áp bức

Đoạt tài sản của người

Thì thân gia quyến thuộc

Cũng chịu chung ác báo

Cho đến chết mới thôi.

 

若不死喪則有水火盜賊, 遺忘器物, 疾病口舌諸事,以當妄取之直.

Nhược bất tử táng, tắc hữu thuỷ hỏa đạo tặc, di vong khí  vật,  tật  bệnh,  khẩu  thiệt  chư  sự, dĩ  đương  vọng  thủ  chi  trực.

Nếu thọ mạng chưa hết

Sẽ gặp lũ, hỏa tai

Trộm cướp và bệnh tật

Tai tiếng và kiện thưa.

Xưa hại người nửa cân

Giờ phải đền tám lạng.[5]

 

又枉殺人者, 是易刀兵而相殺也

Hựu uổng sát nhân giả, thị dịch đao binh nhi tương sát dã.

Giết oan mạng người khác

Sẽ cảm họa binh đao

Nhân-quả vốn tơ hào

Không mảy may sai chạy.

 

取非義之財者, 譬如漏脯救饑, 鴆酒止渴, 非不暫飽死亦及之.

Thủ phi nghĩa chi tài giả, thí như lậu bô cứu cơ, trấm tửu chỉ khát, phi bất tạm bão, tử diệc cập chi.

Đoạt tiền tài phi nghĩa

Như ăn thịt độc vào

Uống rượu độc giải khát

Ác nghiệp tránh khỏi sao!

No nê đâu chẳng thấy

Thần chết đến sẵn rồi.

 

CHƯƠNG 8

CHỈ VI (CHỈ RA Ý NGHĨA TINH THÂM VI DIỆU)

夫心起於善, 善雖未為而吉神已隨之. 或心起於惡, 惡雖未為而凶神已隨之.

Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi cát thần dĩ tùy chi. Hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi.

Tâm vừa khởi niệm thiện

Dù việc vẫn chưa làm

Thần Kiết Tường đã thấy

Bảo hộ ở kề bên.

Vừa chớm khởi niệm ác

Dù việc ác chưa làm

Hung thần đã theo bên

Họa hại sẽ liền đến.

 

CHƯƠNG 9: SÁM HỐI TỘI LỖI

其有曾行惡事, 後自改悔, 諸惡莫作, 眾善奉行, 久久必獲吉慶, 所謂轉禍為福也.

Kỳ hữu tằng hành ác sự, hậu tự cải hối, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, cửu cửu tất hoạch cát khánh, sở vị chuyển họa vi phúc dã.

Từng làm việc sai trái

Sau biết tự ăn năn

Không còn gieo nhân ác

Thiện hạnh ngày mỗi tăng.

Lâu dần việc thiện nhỏ

Sẽ chứa đầy chum to

Việc cát tường như ý

Ắt sẽ đến không lo.

Họa chuyển dần thành phúc

Từ sám hối mà ra.

 

 

CHƯƠNG 10: GIỚI ĐỊNH

故吉人語善, 視善, 行善, 一日有三善, 三年天必降之福. 凶人語惡, 視惡, 行惡, 一日行三惡, 三年天必降之禍. 胡不勉而行之.

Cố cát nhân ngữ thiện, thị thiện, hành thiện, nhất nhật hữu tam thiện, tam niên thiên tất giáng chi phúc. Hung nhân ngữ ác, thị ác, hành ác, nhất nhật hành tam ác, tam niên thiên tất giáng chi họa. Hồ bất miễn nhi hành chi.

Hiền nam tử, nữ nhân

Mỗi ngày miệng, mắt, thân

Đều là thiện không khác

Ba năm như một ngày

Trời sẽ ban phúc báu.

 

Kẻ nói, nhìn, làm ác

Trong thời gian ba năm

Một ngày tạo ba nghiệp

Trời sẽ giáng họa tai.

 

Rõ ràng việc họa phúc

Do chính mình gây nên

Thấu rõ đạo lý trên

Nên hành Thiên Cảm Ứng.


[1] Bất tiếu: hư hỏng, đáng chê trách.

[2] Chuyện thị phi: chuyện phải quấy

[3] Ngũ Lạp bao gồm: Ngày mồng Một tháng Giêng gọi Thiên Lạp, mồng Năm tháng Năm là Địa Lạp (tiết Đoan Ngọ), mồng Bảy tháng Bảy là Đạo Đức Lạp, mồng Một tháng Mười là Tuế Lạp (Dân Tuế Lạp), mồng Tám tháng Chạp là Hầu Vương (Vương Hầu) Lạp.

[4] Bát tiết là những ngày lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí.

[5] Ý nói nhân quả công bằng, tơ hào chẳng sai. Nửa cân của người xưa tương đương với 8 lạng (một cân là 16 lạng).


Nguồn: www.tinhkhongphapngu.net